Xây dựng chính quyền điện tử ở cấp xã

Phú Thọ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện gửi nhận văn bản có tích hợp chữ ký số trên môi trường mạng, triển khai họp trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trực tuyến... góp phần xây dựng chính quyền điện tử ở cấp xã, hướng tới xây dựng thành công chính quyền điện tử.

Cán bộ Văn phòng UBND xã Kim Đức, thành phố Việt Trì xử lý văn bản trên môi trường mạng.

Cán bộ Văn phòng UBND xã Kim Đức, thành phố Việt Trì xử lý văn bản trên môi trường mạng.

Để thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử tại cấp xã, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như máy tính, máy in, máy chiếu, máy quét (scan) phục vụ cho việc số hóa tài liệu, văn bản, kết nối mạng Internet, việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ đã giúp cho cán bộ, công chức cấp xã thay đổi phương thức tổ chức lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin điện tử thay thế phương thức làm việc truyền thống. Ngoài các phần mềm thông thường như soạn thảo văn bản, bảng tính, đến nay các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng các phần mềm chuyên ngành như quản lý hộ tịch, quản lý văn bản, kế toán ngân sách... Nhiều xã đã triển khai hệ thống “Một cửa điện tử”, góp phần công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính của UBND cấp xã.Chỉ tính riêng trong tháng 5, tổng số văn bản nhận trên môi trường mạng tăng 11%, văn bản đi được phát hành trên Trục liên thông văn bản Quốc gia tăng 14% so với tháng trước. Số văn bản đi có tích hợp chữ ký số của các xã, phường, thị trấn hơn 8.400 văn bản, trong đó huyện Hạ Hòa, Tam Nông có 100% các xã, thị trấn thực hiện tốt gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số. Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh cũng được triển khai hiệu quả đến 100% các xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng phục vụ công tác trao đổi, triển khai công việc đến từng cán bộ cơ sở. Do tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp nên việc họp trực tuyến được đẩy mạnh, trong tháng 5 đã có 13 cuộc họp trực tuyến từ Trung ương về tỉnh, 5 cuộc họp trực tuyến từ tỉnh về huyện và giữa các huyện; 54 cuộc họp trực tuyến từ huyện về xã. Lần đầu tiên thực hiện tập huấn, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 trên toàn tỉnh được thực hiện.Tại nhiều xã, phường, thị trấn đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên hệ thống “Một cửa điện tử”. Huyện Tân Sơn, Hạ Hòa, Tam Nông có 100% các xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, trong đó có nhiều địa phương tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến như UBND xã Dân Quyền, xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông); UBND xã Thu Cúc, xã Tân Phú (huyện Tân Sơn); UBND xã Xuân Áng, thị trấn Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa)...Tại UBND xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, đến nay, lãnh đạo và cán bộ xã đã quen với việc sử dụng văn bản điện tử. Từ bước soạn văn bản điện tử, gửi trình lãnh đạo ký duyệt văn bản; lấy số văn bản; ký duyệt và phát hành văn bản điện tử đã được ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Từ đầu năm đến nay, có hơn 1.100 văn bản gửi, nhận trên môi trường mạng, trong đó 100% văn bản đi có tích hợp chữ ký số. Việc học tập Nghị quyết và tập huấn công tác bầu cử, tiếp xúc cử tri đều được thực hiện qua hệ thống trực tuyến.Ông Nguyễn Hữu Ích - Chủ tịch UBND xã Kim Đức cho biết: “Việc gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số đã tạo thuận lợi trong xử lý công việc, đồng thời hệ thống họp trực tuyến đã phát huy hiệu quả, các nhiệm vụ được triển khai nhanh chóng đến đông đảo cán bộ công chức của xã, góp phần cải cách hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí và nâng cao hiệu quả công việc”.Là xã miền núi, điều kiện kinh tế, hạ tầng CNTT của xã Minh Đài, huyện Tân Sơn còn nhiều khó khăn, hệ thống mạng Internet chưa ổn định, chưa có cán bộ chuyên ngành CNTT song xã đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng chính quyền điện tử. Trong 5 tháng đầu năm, đã có gần 900 văn bản được gửi nhận trên môi trường mạng, thực hiện 6 cuộc họp trực tuyến. Riêng tháng 5 đã có 32 văn bản đi có tích hợp chữ ký số, tiếp nhận 68 hồ sơ trực tuyến.Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng chính quyền điện tử ở cấp xã còn gặp khó khăn do hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, năng lực về CNTT của cán bộ ở nhiều xã còn hạn chế, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn thấp... Do đó, rất cần sự quan tâm, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT trong toàn tỉnh để đảm bảo kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến để góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/202106/xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-o-cap-xa-177529