Xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân
Xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng tỉnh Lào Cai đang hướng tới. Theo đó, Lào Cai tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ...
Lào Cai xây dựng chính quyền số nhằm tận dụng tối đa bước tiến của công nghệ hiện đại để thực hiện đồng bộ, thống nhất những giải pháp xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu quả, tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đây, người dân có thể phải nghỉ làm, nghỉ học để đến cơ quan chính quyền địa phương hỏi, tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ xử lý thủ tục hành chính. Với chính quyền số, người dân có thể tìm hiểu các thông tin, văn bản hướng dẫn đăng tải trên mạng để chuẩn bị cho việc tạo hồ sơ. Việc nộp hồ sơ có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào trên môi trường mạng với máy tính hoặc di động cầm tay có kết nối internet.
Năm 2023, phường Phan Si Păng được UBND thị xã Sa Pa đánh giá, công nhận là 1 trong 2 đơn vị có chỉ số cải cách hành chính xếp loại Tốt, đứng thứ 1/16 xã, phường của thị xã. Để có kết quả đó, phường Phan Si Păng đã thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Phường đã chỉ đạo các công chức phụ trách tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, các công chức chuyên môn được phân công giải quyết thủ tục hành chính nghiêm túc sử dụng phần mềm một cửa VNPT-Igate, đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết được tiếp nhận và xử lý trên phần mềm, không để phát sinh hồ sơ quá hạn trên Cổng dịch vụ công của thị xã, tỉnh. Phường Phan Si Păng cũng thực hiện việc niêm yết thủ tục hành chính và tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý đúng quy định, nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Anh Trần Minh Anh, người dân phường Phan Si Păng cho biết: Trước đây có công việc cần giải quyết, tôi đều phải đến tận nơi, nếu đông người, cán bộ đi vắng thì phải chờ đợi, có khi phải đi lại 2 - 3 lần mới xong một thủ tục. Giờ thì ở nhà cũng có thể giải quyết được công việc. Tôi từng thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến, xin bản sao lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh hoặc bản sao giấy khai sinh cho con trực tuyến. Lần đầu làm chưa quen thì còn bỡ ngỡ, phải gọi điện hỏi các chị ở phường cách làm. Khi thực hiện thành công được một lần rồi thì những lần sau rất dễ dàng, tiện lợi.
Cũng như phường Phan Si Păng, những năm qua, chính quyền các địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã đã đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đối với các cơ quan cấp tỉnh, chính quyền số đang thể hiện ngày càng rõ nét khi việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngày càng được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung vào giải quyết công việc được triển khai mạnh mẽ. Các đơn vị tích cực triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Tỉnh Lào Cai đã xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính...
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả tại bộ phận một cửa của 3 cấp với gần 60.000 hồ sơ. 100% phản ánh, kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai kết quả giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử.
Công tác đánh giá qua hệ thống giám sát - đánh giá và đo lường sự hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa các cấp đã thu nhận ý kiến đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua theo dõi, đánh giá, 3 tháng đầu năm nay, có 12.326/12.329 ý kiến đánh giá rất hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống.
Ngoài ra, để phát triển chính quyền số, các cơ quan chuyên môn đã phê duyệt danh mục 22 thủ tục hành chính nội bộ thực hiện thí điểm triển khai trực tuyến trên địa bàn tỉnh Lào Cai; triển khai hệ thống phần mềm báo cáo dùng chung của tỉnh cho 8 đơn vị với 17 loại báo cáo; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng có sự chuyển biến tích cực; nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) duy trì khai thác sử dụng hiệu quả...
Theo ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương và các đơn vị liên quan xây dựng giải pháp thí điểm nền tảng chính quyền số. Đây là 1 trong 35 nền tảng dùng chung do Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất triển khai và được Lào Cai tiên phong tham gia xây dựng. Nền tảng này đang từng bước được xây dựng, dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Tăng Văn Hạnh cho biết: Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, giải quyết công việc trên môi trường mạng thì việc xây dựng một nền tảng quản trị tổng thể là rất quan trọng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang sử dụng rất nhiều phần mềm riêng lẻ dẫn tới việc đôi khi phải giải quyết, cập nhật dữ liệu cùng một công việc trên nhiều phần mềm, đôi lúc dẫn tới chồng chéo hoặc bỏ sót do phải theo dõi ở nhiều nơi. Trước thực tế đó, chúng tôi đang tham gia xây dựng một nền tảng có vai trò cung cấp các tính năng từ tạo lập, theo dõi quá trình giải quyết công việc và đánh giá kết quả trên cùng một hệ thống với cơ sở dữ liệu được tích hợp để khai thác, chia sẻ và quản trị hiệu quả.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xay-dung-chinh-quyen-so-phuc-vu-nhan-dan-post383559.html