Xây dựng chính quyền vững mạnh
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công trong cả nước đã đập tan chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân. Phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm từng bước xây dựng một bộ máy chính quyền vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của UBND thành phố Hưng Yên
Khi mới tách từ huyện Kim Động để sáp nhập về thành phố Hưng Yên, Phú Cường là xã nằm ngoài đê sông Hồng với hàng loạt khó khăn về kinh tế - xã hội, trong khi đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, nhờ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trình độ cho cán bộ và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân mà xã Phú Cường giờ đây đã đổi thay rõ rệt về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ năng động, chuyên nghiệp, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn kết, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Không riêng xã Phú Cường mà hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố Hưng Yên, bộ máy chính quyền ngày càng được chuyên nghiệp hóa; đội ngũ cán bộ gần dân, sát dân, đồng hành với Nhân dân giải quyết nhanh, hiệu quả những nhiệm vụ phát sinh ở cơ sở. Đồng chí Doãn Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: Hiện nay, UBND thành phố Hưng Yên có 12 cơ quan chuyên môn; 49 trường học công lập và 17 UBND phường, xã với tổng số 1.743 cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC). Kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) 5 năm gần đây thành phố đều đứng tốp đầu của tỉnh. Năm 2021, điểm công tác chỉ đạo điều hành và điểm cải cách thể chế xếp thứ 2; điểm cải cách chế độ công vụ và điểm chính quyền điện tử xếp thứ 3; cải cách tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) xếp thứ 4 toàn tỉnh. Để xây dựng chính quyền vững mạnh, bên cạnh việc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động hành chính, thành phố cũng thực hiện phân cấp, phân quyền, đề cao vai trò người đứng đầu thực hiện các nhiệm vụ; thành phố cũng thực hiện tốt việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ CB,CC; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng theo từng chức danh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật công vụ và thực hiện quy chế văn hóa công sở...
Nhìn lại công tác xây dựng chính quyền, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã chú trọng xây dựng đội ngũ CB,CC,VC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tỉnh và các địa phương đã thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, toàn tỉnh rà soát, thực hiện việc giảm đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện với số lượng giảm là 22 phòng, ban, khoa trực thuộc; khối chính quyền sắp xếp, kiện toàn 17 sở, ngành, giảm 5 chi cục trực thuộc sở và 51 phòng trực thuộc sở, ngành, chi cục. Có 6 huyện hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện; sáp nhập 38 thôn thành 19 thôn mới; tinh giản biên chế 421 người. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoàn thành việc xây dựng Đề án (hoặc Đề án điều chỉnh) vị trí việc làm bảo đảm theo đúng quy định.
Cùng với việc xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tỉnh còn chú trọng CCHC, nhất là nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ. Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan hành chính được liên thông 4 cấp (từ cấp xã đến cấp trung ương) giúp công tác chỉ đạo, xử lý công việc nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm. Hệ thống Cổng dịch vụ công, Một cửa điện tử của tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm cho việc tiếp nhận hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp; đã cung cấp 537 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 920 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hiện tại, tổng số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.857 TTHC. Trong đó, số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh là 1.454, cấp huyện là 273, cấp xã là 130. Số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông là 199 TTHC đơn lẻ và 4 nhóm TTHC. Năm 2021, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt 99,86%. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh hiện đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền vững mạnh, tỉnh và các địa phương đã tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước. Năm 2021, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số Sipas), tỉnh Hưng Yên đạt 92,07%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm trước.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương còn chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, duy trì lịch tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí góp phần giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Quy chế phối hợp giữa UBND các cấp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai đồng bộ. Hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe và kịp thời giải quyết các kiến nghị của Nhân dân...
Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền từ huyện đến cơ sở, thời gian tới, tỉnh cùng với các ngành chức năng, chính quyền địa phương nâng cao năng lực quản lý, điều hành và đổi mới phương thức hoạt động; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB,CC,VC bảo đảm vừa “hồng” vừa “chuyên”; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, chú trọng giải quyết TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của CB,CC,VC, đặc biệt là hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; triển khai thực hiện tốt việc phối hợp giữa các cấp, các ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.