Xây dựng Chuẩn cơ sở GD đại học đặt hiệu quả lên hàng đầu
Tiêu chí về tỷ lệ sinh viên thôi học, tốt nghiệp và có việc làm được nhiều nước sử dụng.
Do đó, cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam cần chứng tỏ uy tín, chất lượng và hiệu quả đào tạo qua sự lựa chọn, tiến bộ và thành công của người học.
Quy định tối thiểu
Theo dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị muốn đạt Chuẩn phải có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không thấp hơn 70%, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 50%. Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, tự tạo việc làm phù hợp với trình độ đào tạo hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong thời gian 12 tháng (18 tháng đối với ngành Y khoa) không thấp hơn 70%.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là bộ tiêu chuẩn quy định yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc kết quả hoạt động mà cơ sở đào tạo phải đáp ứng, được đánh giá theo các tiêu chí và chỉ số tương ứng.
“Tất nhiên, tỷ lệ này phải được khảo sát bài bản, khoa học và đủ tin cậy”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, đồng thời tán thành với đề xuất tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm như dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT quy định, cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường trong thời gian 12 tháng. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của cơ sở đào tạo. Đồng thời cũng là hình thức cam kết về chất lượng đào tạo với người học và xã hội.
Cho rằng, mỗi trường đại học có sứ mệnh khác nhau và chuẩn đầu ra khác nhau, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhìn nhận, dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đề xuất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau. Do đó, tùy theo định hướng phát triển nên có trường dễ dàng đạt tiêu chí này nhưng lại khó đạt các tiêu chí khác.
Đối với tiêu chí về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và có việc làm là những quy định tối thiểu. Vì thế, các trường có thể đạt được kết quả cao hơn. Tuy nhiên, với một cơ sở giáo dục đại học mới thành lập chưa có sinh viên tốt nghiệp nên chưa thể thống kê số liệu theo tiêu chí Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đặt ra. Do đó, dự thảo cũng cần tính đến trường hợp này.
Bảo đảm tính hội nhập
Theo Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, về nguyên tắc cơ sở giáo dục đại học có thể vận hành ngay từ khi chưa đủ tiêu chí để đạt Chuẩn. Vì thế, nhiều nội dung cũng chỉ mang tính chất tương đối. Có tiêu chí có thể định lượng, đo đếm được nhưng cũng có tiêu chí chỉ là thể hiện mong muốn, là cơ sở để nhà trường phấn đấu.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) phân tích, một trường đại học mới thành lập 2 - 3 năm chưa thể có sinh viên tốt nghiệp, chưa thể thống kê tỷ lệ thôi học và tốt nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói trường đó không đạt Chuẩn. Trường đại học muốn được cấp phép hoạt động đào tạo thì phải đáp ứng Chuẩn cơ sở giáo dục đại học ở mức tối thiểu. Các tiêu chuẩn cần thiết cho một cơ sở giáo dục hoạt động là: Vốn ban đầu, bộ máy quản trị, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo…
Còn các tiêu chí liên quan đến người học thuộc về yếu tố chất lượng, uy tín và hiệu quả hoạt động của nhà trường như: Tỷ lệ sinh viên nhập học, chất lượng đầu vào (điểm chuẩn), tỷ lệ sinh viên thôi học, hoàn thành học vụ hàng kỳ, tốt nghiệp đúng hạn, số sinh viên có việc làm sau khi ra trường hay mức độ hài lòng của người học về các vấn đề của nhà trường…
“Từ những thông số này, tiêu chí về tỷ lệ thôi học và tốt nghiệp có nhất thiết phải thiết kế trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hay không”, ThS Nguyễn Vinh San đặt vấn đề đồng thời gợi mở: Tiêu chí về tỷ lệ sinh viên thôi học, tốt nghiệp và có việc làm nên đưa vào Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì hợp lý hơn vì nó phản ánh trực tiếp chất lượng chăm sóc, hỗ trợ người học trong quá trình học tập và chất lượng đào tạo của một chương trình cụ thể.
Thông thường, việc sử dụng các tiêu chí về người học nên gắn với chương trình cụ thể của trường đại học hơn là sử dụng tỷ lệ chung của toàn trường. Với chương trình đào tạo không đạt chuẩn cơ bản nên dừng đào tạo để cải tiến điều kiện đảm bảo chất lượng. “Trên thế giới, nhiều nước sử dụng tiêu chí về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, sinh viên thôi học trong các bộ tiêu chuẩn kiểm định hoặc trong tiêu chí của các bảng xếp hạng đại học”, ThS Nguyễn Vinh San viện dẫn.
Nhấn mạnh mục đích sử dụng Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, ThS Nguyễn Vinh San cho rằng, việc đầu tiên là thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật. Mục đích cụ thể là xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, khi xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí cần bám sát vào mục đích sử dụng của Chuẩn”, ThS Nguyễn Vinh San nêu quan điểm.
Theo Tờ trình của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), các tiêu chí của Chuẩn được xây dựng trên cơ sở đề xuất của nhóm chuyên gia nghiên cứu kinh nghiệm từ quốc gia phát triển trên thế giới như: Nhật, Úc, Mỹ… và dựa trên thực tiễn đào tạo của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Phần lớn tiêu chí trong Dự thảo Chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế để đảm bảo tính hội nhập nhưng đồng thời phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam như: Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, tỷ lệ tốt nghiệp, thôi học…