Xây dựng chuỗi liên kết - thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Những năm qua, Hà Nội ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công, hoạt động hiệu quả.
Ngày 20-7, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) phối hợp với huyện Phú Xuyên tổ chức Hội nghị khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh.
Tính đến nay, Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân. Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Hưng Yên… là các tỉnh phát triển được nhiều chuỗi nông sản, thực phẩm đưa về Hà Nội tiêu thụ, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người dân Thủ đô.
Theo đó, những năm qua, Hà Nội ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công về nông sản chủ lực như lúa gạo, rau màu, hoa, bưởi, dược liệu… Các chuỗi hoạt động hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực cho nông nghiệp.
Trong đó, có thể kể đến chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa); chuỗi rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến.
Bên cạnh đó, một số chuỗi liên kết chăn nuôi, thủy sản hoạt động hiệu quả sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai); chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, thương hiệu trứng sạch Tiên Viên (huyện Chương Mỹ); chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng…
Mặt khác, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố; các mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản giúp người sản xuất thuận lợi, tránh rủi ro “được mùa - mất giá”, xác định doanh nghiệp là "đầu tàu" trong kết nối cung - cầu, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tham dự diễn đàn, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nổi bật, đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ như sản phẩm từ sen của xã Quang Trung; sản phẩm bột, trà rau má, tía tô của xã Hồng Thái; sản phẩm về hạt của thị trấn Phú Xuyên...
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định, địa phương hiện có nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chế biến sâu. Tuy nhiên, để sản phẩm đến với thị trường rất cần các chuyên gia, sở, ngành hỗ trợ quảng bá, kết nối, hoàn thiện chuỗi liên kết...