Xây dựng chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững
Sầu riêng tăng giá cao, một số nhà vườn vì lợi nhuận bất chấp sầu riêng chưa đủ tuổi đã vội vàng bán cho thương lái. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng quả sầu riêng.
Sầu riêng tăng giá cao, một số nhà vườn vì lợi nhuận bất chấp sầu riêng chưa đủ tuổi đã vội vàng bán cho thương lái. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng quả sầu riêng của Cần Thơ nói riêng và ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung nếu sầu riêng kém chất lượng có mã số vùng trồng bị nước nhập khẩu phát hiện và phát cảnh báo. Thời gian qua, Cần Thơ chưa tiếp nhận thông tin cảnh báo lô hàng sầu riêng nào bị trả vì kém chất lượng, sầu riêng non. Tuy nhiên, nhận định, đây là vấn đề hết sức quan ngại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ - Nguyễn Tấn Nhơn đã có một số đề xuất kiến nghị xây dựng chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, hiện nay, sau khi ngành chức năng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, cán bộ không thể quản lý 24/24 giờ. Trong khi đó, lúc giá sầu riêng tăng cao, nông dân cũng muốn bán và doanh nghiệp cũng muốn có hàng để xuất khẩu nên dễ xảy ra tình trạng bỏ qua chất lượng quả sầu riêng. Ngoài ra, còn có tình trạng doanh nghiệp trà trộn sầu riêng giữa vùng trồng được cấp mã số với vùng trồng chưa cấp mã số nhằm đủ số lượng xuất khẩu để kiếm lời. Điều này cho thấy doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà không tính toán đến lợi ích lâu dài. Vì thế, ngành nông nghiệp Cần Thơ rất quan tâm có được chuỗi ngành hàng sầu riêng được kiểm soát chặt chẽ. Ông Nguyễn Tấn Nhơn chia sẻ trải nghiệm về chuỗi ngành hàng sầu riêng ở Thái Lan. Theo đó, trước khi vườn sầu riêng muốn bán thì cán bộ khuyến nông của Thái Lan sẽ đến kiểm tra và cấp giấy xác nhận sầu riêng đã đủ tuổi bán thì doanh nghiệp mới được thu mua. Việc mua bán sầu riêng ở Thái Lan không chỉ là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và chủ vườn quyết định ngày cắt sầu riêng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét, nghiên cứu lại cách quản lý chất lượng quả sầu riêng, nếu không sớm muộn ngành hàng sầu riêng của Việt Nam sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi". Ông Nguyễn Tấn Nhơn cho rằng, quản lý sầu riêng xuất khẩu ở Việt Nam hiện nay chỉ dừng ở khâu cấp mã số vùng trồng nhưng nhiều khâu không có cán bộ giám sát, chỉ có nông dân với doanh nghiệp, cơ sở đóng gói; trong khi đó cơ quan nhà nước thỉnh thoảng đi thu mẫu, việc quản lý sầu riêng xuất khẩu không chặt chẽ. Từ vấn đề này, ông Nhơn đề xuất phải có giải pháp giám sát toàn bộ các khâu trong chuỗi ngành hàng sầu riêng. Từ khâu thu hoạch đến khâu vận chuyển, từ nhà vườn đến cơ sơ đóng gói phải có cơ quan chức năng giám sát và khi sầu riêng được đưa lên container phải được ngành chức năng niêm kẹp chì, niêm phong trước khi xuất khẩu. Xây dựng chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững, dài lâu thì phải kiểm soát từng công đoạn (cấp mã vùng trồng, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển) đảm bảo lô hàng sầu riêng "chính chủ". Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn để giám sát chuỗi ngành hàng sầu riêng thì phải đưa công nghệ vào quản lý ngày cắt, sản lượng, diện tích của từng vùng trồng. Khi sầu riêng được di chuyển từ nơi này đến nơi khác sẽ được giám sát, quản lý. Việc giám sát tốt các khâu thì khi xảy ra trường hợp lô hàng vi phạm bị cảnh cáo hàng kém chất lượng, địa phương sẽ phối hợp truy xuất đúng lô hàng, đúng đối tượng vi phạm để xử phạt, tránh xử phạt oan, sai đối tượng. Cũng theo ông Nhơn, không nên để doanh nghiệp và nhà vườn tự thỏa thuận mua bán sầu riêng. Chỉ có doanh nghiệp mới biết quả sầu riêng nào tốt, đủ tuổi xuất khẩu, vườn nào có mã số vùng trồng. Điều này, dễ xảy ra tình trạng doanh nghiệp khi thiếu hàng có thể sẽ mua sầu riêng có mã số vùng trồng ở Cần Thơ trà trộn sầu riêng ở vùng trồng khác không đảm bảo chất lượng. Khi đó, nếu phía Trung Quốc phát hiện lô hàng vi phạm sẽ cảnh báo. Nếu truy ra xuất xứ thì sẽ là vùng trồng ở Cần Thơ và nhà vườn bị phạt oan. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến vùng trồng sầu riêng của Cần Thơ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đề xuất, khi doanh nghiệp đến kiểm tra chất lượng thu mua sầu riêng tại vườn trồng cần có cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật giám sát (diện tích, sản lượng). Sau đó, ngành chức năng phải có phương án giám sát, theo dõi quản lý lô hàng xuyên suốt. Nếu doanh nghiệp vi phạm trong xuất khẩu sầu riêng phải có chế tài xử lý, chứ không chỉ dừng lại ở việc làm hồ sơ khắc phục hậu quả. Cần có cơ chế đủ sức răn đe xử lý các doanh nghiệp vi phạm lấy hàng sầu riêng không rõ nguồn gốc, sầu riêng kém chất lượng trà trộn vào hàng sầu riêng được cấp mã số để xuất khẩu. "Có những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng cũng có những doanh nghiệp "làm ăn xổi" sẽ phá chết ngành hàng sầu riêng. Do đó, cần phải có quy định xử phạt doanh nghiệp bằng cách cấm tham gia thị trường xuất khẩu nếu vi phạm nhiều lần", ông Nhơn gợi ý. Hiện Cần Thơ có tổng diện tích sầu riêng khoảng 5.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Phong Điền, Thới Lai và Ô Môn. Trên 86% giống sầu riêng Ri6 được trồng tại các nhà vườn ở Cần Thơ. Thời vụ thu hoạch sầu riêng ở Cần Thơ từ cuối tháng 3/2024 đến 7/2024 (tập trung vào tháng 5-6 chiếm 70% diện tích). Sản lượng sầu riêng ở Cần Thơ cung ứng ra thị trường ước lượng năm 2024 trên 30.000 tấn. Trong năm 2023 - 2024, ở Cần Thơ có 42 mã số vùng trồng được cấp với tổng diện tích 953,77 ha tập trung tại huyện Phong Điền, Ô Môn và Thới Lai; trong đó có 37 mã số với diện tích trên 887 ha được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại 5 mã số với diện tích 175 ha đã được cấp mã số nội địa, đang chờ nước nhập khẩu cấp mã số xuất khẩu. Hiện Cần Thơ cũng mới chỉ có một cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số. Theo ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, vì luật không cấm vùng trồng được cấp mã số thì không được bán cho thương lái bên ngoài nên thời gian qua, ở Cần Thơ vẫn xảy ra tình trạng nông dân vì lợi nhuận vẫn bán sầu riêng được cấp mã số vùng trồng cho thương lái trả giá cao hơn. Ngoài ra, còn có trường hợp doanh nghiệp thiếu hàng sẽ vào vườn sầu riêng chưa đủ tuổi "cắt đại" nâng giá lên để mua đủ hàng. Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, chiếm 31,8% thị phàn sầu riêng tại Trung Quốc. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp, chợ đầu mối nông sản Trung Quốc phàn nàn sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam có cơm bị sượng, nhạt, vi phạm quy định kiểm dịch thực vật, thậm chí là không chín. Cùng một container nhưng chất lượng quả sầu riêng không đồng đều, doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá bán rẻ cho đối tác đưa vào làm hàng chế biến thay vì tốn kém thêm chi phí đưa hàng về nước. Nguyên nhân thực trạng này là do nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc lớn nên nhiều thương lái Việt Nam gom hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu chạy theo số lượng, mua trọn, cắt trái đồng loạt cả vườn khiến chất lượng trái già, trái non không đồng đều.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-chuoi-nganh-hang-sau-rieng-ben-vung/330001.html