Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH) trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định thị trường bất động sản. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển NƠXH. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại tại TP Hòa Bình góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 dự án NƠXH với quy mô 25.875 m2 sàn, tương ứng 335 căn. Trong đó có 2 dự án NƠXH độc lập dành cho người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và 1 dự án nhà ở thu nhập thấp cho công nhân tại khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn. Mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục về xây dựng đối với 2 dự án NƠXH quy mô 47.700 m2 sàn, tương ứng 1.165 căn hộ, gồm 1 dự án NƠXH độc lập thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, 1 dự án NƠXH dành cho công nhân. Khảo sát thực tế cho thấy, nhu cầu về NƠXH hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao, chủ yếu thuộc nhóm công chức, viên chức trẻ và nhóm công nhân làm việc trong các KCN. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 25 nghìn công chức, viên chức, nhóm công chức, viên chức dưới 35 tuổi chiếm gần 9 nghìn người. Đây là nhóm cán bộ trẻ, mới lập gia đình, thu nhập thấp, chưa có nhà hoặc đang thuê nhà. Đối với nhóm công nhân, toàn tỉnh có hơn 17 nghìn công nhân làm việc tại các KCN, trong đó, hơn 2.700 công nhân làm việc tại KCN bờ trái sông Đà và hơn 13.500 công nhân làm việc tại KCN Lương Sơn. Toàn tỉnh mới có 1 nhà ở công nhân tại huyện Lương Sơn quy mô 30 căn, trên 1.350 phòng trọ cho công nhân lao động và 5.232 người đang thuê trọ. Hiện, diện tích NƠXH mới đạt 8,17% so với Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc phát triển NƠXH tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc. Trao đổi về vấn đề này, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, các nhà đầu tư mới quan tâm đến phát triển nhà ở thương mại, chưa chú trọng đến phát triển NƠXH. Các quy định pháp luật khống chế tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, lợi nhuận định mức, đối tượng thuê, mua, trong khi đó các chính sách ưu đãi về NƠXH chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa NƠXH với đất nền thương mại, địa phương có điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào NƠXH. Mặt khác, các thủ tục về giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH, giá bán, giá cho thuê NƠXH cùng nhiều quy định bất cập dẫn đến khó khăn trong việc triển khai dự án. Nhiều đơn vị đầu tư dự án NƠXH cho rằng, còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà đối với cả chủ đầu tư lẫn đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH. Như chủ đầu tư dự án NƠXH muốn được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn. Đối với đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH không phân biệt hình thức hỗ trợ phải đảm bảo đủ 3 điều kiện: chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh, thu nhập không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện, dẫn đến người dân phải thực hiện nhiều thủ tục giấy tờ xác nhận. Trong thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu phát triển tăng thêm được 154.000 m2 sàn NƠXH, tương đương khoảng 5.120 căn xây dựng mới, đáp ứng cho khoảng 10% nhu cầu nhà ở công nhân. Trong đó, dự kiến hoàn thành từ các dự án đang triển khai thực hiện (đã chấp thuận chủ trương đầu tư) là 6.100 m2 sàn; diện tích kêu gọi xây dựng mới khoảng 147.900 m2 sàn tại TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn. Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển NƠXH, tỉnh tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, lồng ghép các chương trình mục tiêu của T.Ư, của tỉnh. Trong đó, tập trung rà soát các đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở để chủ động bố trí đủ quỹ đất, kế hoạch vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng NƠXH. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh để các cấp, các ngành chỉ đạo, điều hành đảm bảo phù hợp từng giai đoạn và điều kiện thực tế của địa phương. Xây dựng, rà soát quy hoạch sử dụng đất, chú trọng dành quỹ đất 20% tại các khu vực đô thị từ loại III trở lên, hoặc các khu vực tập trung nhiều KCN để phát triển NƠXH dành cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân lao động. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn, phương thức đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, đồng thời đảm bảo sử sụng vốn ngân sách Nhà nước thu được thông qua nguồn thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, tiền sử dụng đất tương đương giá trị quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại nhằm bổ sung vào quỹ phát triển nhà ở để đầu tư xây dựng NƠXH. Phương Linh