Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư để phát triển nghề nuôi biển

Vừa qua,, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị về thực trạng và định hướng phát triển nghề nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói: nghề nuôi biển Kiên Giang đang gặp nhiều khó khăn do quy hoạch không gian biển Quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được phê duyệt và thủ tục giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021, phải xin ý kiến nhiều Bộ, ngành nên công tác triển khai còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện việc giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân nuôi lồng bè trên biển theo quy định. Việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm. Hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay vừa yếu vừa thiếu còn nhiều hạn chế…

Theo báo cáo, Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, có diện tích tự nhiên lớn nhất. Là tỉnh ven biển, đồng bằng, ngoài các yếu tố đặc thù của một địa phương vùng sông nước... đặc biệt, vùng biển rộng hơn 63.290Km², bờ biển dài khoảng 200km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc.

Kiên Giang có điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản trên ba vùng sinh thái mặn, lợ và ngọt phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Đặc biệt là tôm sú, đối tượng nuôi chủ lực phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, các loại hình nuôi thủy sản mặn, lợ như nuôi cá lồng bè, cá nuôi ao, cua, sò huyết, nghêu, đã được người dân vùng ven biển, quanh các đảo nuôi đạt kết quả khá tốt.

Tiềm năng nuôi biển của tỉnh KIên Giang là rất lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ảnh Hồng Lĩnh.

Tiềm năng nuôi biển của tỉnh KIên Giang là rất lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ảnh Hồng Lĩnh.

Năm 2023, nuôi cá lồng trên biển đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910, tấn tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 1,65%/năm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE, kết quả đã chuyển đổi được 69 lồng, với quy mô 3.531m3, mô hình này đem lại hiệu quả với năng suất trung bình 16,02kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5kg/m3; nuôi nhuyễn thể ven biển với diện tích thể là 23.282 ha, sản lượng 96.327 tấn. Ngoài ra, nghề nuôi trai cấy ngọc nhân tạo được còn duy trì ở thành phố Phú Quốc, với diện tích nuôi khoảng 100 héc ta, sản lượng thu hàng năm trung bình khoảng 93.000 viên.

Bên cạnh đó, Kiên Giang đã cấp chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn 695 tỷ đồng, diện tích mặt nước biển là 2.197,3 ha và tiếp nhận 155 hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nuôi biển của các doanh nghiệp và cá nhân trong đó: huyện Hòn Đất có 94 dự án; huyện Kiên Lương có 21 dự án; huyện Kiên Hải có 06 dự án; huyện An Biên có 25 dự án và TP Phú Quốc có 09 dự án.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ông Phùng Đức Tiến yêu cầu, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, đầu tư hạ tầng thủy sản mới đáp ứng được yêu cầu phát triển thì mới thay đổi được diện mạo ngành thủy sản. Tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chât lượng cao; giao mặt nước biển; đầu tư cơ sở chế biến sản xuất thủy sản….

Hồng Lĩnh - Trí Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-co-che-chinh-sach-thu-hut-dau-tu-de-phat-trien-nghe-nuoi-bien.html