Xây dựng cơ chế thu hút nhân tài: Củng cố sức mạnh ngành thể thao Thủ đô
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 230/KH-UBND về xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể dục thể thao (TDTT) Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nêu rõ, trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành thể thao thủ đô sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài TDTT của thành phố Hà Nội trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chế độ chính sách của Thành phố về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ đối với tài năng, năng khiếu về TDTT.
Đồng thời, xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nguồn lực trong và ngoài nước tham gia, góp phần kết nối và tăng cường năng lực hội nhập, nâng cao năng lực, tiêu chuẩn thể thao Việt Nam ngang tầm châu lục và thế giới. Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV tài năng, năng khiếu đặc biệt ở các môn thể thao thi đấu ASIAD, Olympic và các môn là thế mạnh của Việt Nam; các HLV tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, uy tín nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt huấn luyện VĐV thi đấu đạt huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế; phấn đấu giữ vững danh hiệu là trung tâm thể thao đứng đầu cả nước.
Việc xây dựng cơ chế thu hút nhân tài còn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa thể dục, thể thao, từng bước xây dựng cơ chế và thị trường chuyển nhượng vận động viên, phát triển thể thao chuyên nghiệp, phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, các liên đoàn, hội thể thao trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao.
"Kế hoạch này được xây dựng rất chi tiết và tập trung hướng đến chăm lo những quyền lợi của HLV, VĐV, đồng thời đặt mục tiêu rõ ràng trong 3 đến 8 năm tới đây. Các VĐV thể thao vốn có tuổi nghề rất ngắn, nên việc tìm được một đơn vị đảm bảo tốt chế độ là một trong những yếu tố quan trọng. Tôi cho rằng với kế hoạch rõ ràng như thế này, Hà Nội hoàn toàn có thể thu hút được nhiều nhân tố có tiềm năng" - VĐV Đinh Thị Bích (Đội tuyển Điền kinh quốc gia) nhận định.
Kế hoạch được ban hành có 2 mục tiêu chính gồm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút tài năng, năng khiếu thể thao đặc thù trình Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt trong thời gian từ nay đến 2025 và cập nhật điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới từ năm 2026 đến 2030.
Hai giai đoạn chính nâng tầm thể thao thủ đô
Kế hoạch 230/KH-UBND về xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể dục, thể thao Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 được chia làm 2 giai đoạn chính bao gồm giai đoạn 1 từ năm 2022 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030.
Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút tài năng, năng khiếu thể thao. Giai đoạn này được chia thành 2 giai đoạn nhỏ.
Cụ thể, từ năm 2022 đến năm 2023, ngành thể thao thành phố sẽ bổ sung những chính sách chiêu mộ các vận động viên đã đạt thành tích cao, còn khả năng tiếp tục giành huy chương tại ASIAD và Olympic; thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó có chính sách tuyển dụng công chức, viên chức đối với tài năng thể thao (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố).
Xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố về chế độ chi tập huấn, tham dự giải, làm nhiệm vụ tại nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài huấn luyện các đội tuyển thể thao Hà Nội (rà soát, bãi bỏ Quyết định số 6221/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội); đồng thời, xây dựng định mức dịch vụ công trong huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu thể thao làm cơ sở đặt hàng đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng vận động viên thể thao thành tích cao và chuyển nhượng vận động viên. Hoàn thiện chế độ đào tạo bồi dưỡng để trở thành huấn luyện viên, trọng tài quốc gia, quốc tế; hỗ trợ học đại học, ngoại ngữ, tin học, học nghề để chuyển ngành theo nhu cầu.
Từ năm 2024 đến năm 2025, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với HLV, VĐV Hà Nội được triệu tập tập huấn đội tuyển quốc gia (ngoài định mức đã được quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP); Cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các VĐV, HLV tài năng đạt huy chương vàng tại Đại hội Thể thao toàn quốc, Đại hội Thể thao Đông Nam Á, đạt huy chương tại Đại hội Thể thao Châu Á, Olympic và các giải Vô địch Thế giới, Châu Á đối với các môn thể thao Olympic theo chu kỳ tổ chức giải và chu kỳ Đại hội.
Cũng trong giai đoạn này, ngành thể thao thủ đô sẽ đẩy mạnh chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu thể thao; Chế độ, chính sách hỗ trợ 1 lần tính theo năm công tác, cống hiến trong ngành thể dục thể thao (ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp).
Đối với giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, ngành thể thao thủ đô tập trung vào 2 nhiệm vụ chính gồm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế độ, hình thức khen thưởng cho các VĐV, HLV khi đạt huy chương tại Olympic và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính của giai đoạn 2022 - 2025; cập nhật điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.
"Hà Nội là một trong những đơn vị có thực lực mạnh, thường xuyên đạt thứ hạng cao không chỉ ở môn Điền kinh mà còn ở những bộ môn, giải đấu thể thao quốc nội khác. Tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế, ngành thể thao thủ đô cũng đóng góp rất nhiều VĐV, HLV giỏi, góp phần mang về thành tích cao cho đoàn thể thao Việt Nam. Với kế hoạch, mục tiêu rõ ràng thế này, chắc chắn thực lực của thể thao Hà Nội sẽ phát triển mạnh hơn và tiếp tục giữ được vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước ở các kỳ đại hội" - VĐV Đinh Thị Bích nhận định.