Xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học - nhìn từ thực tiễn: Đầu tư cho chất lượng
Cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp học là một trong những yếu tố có tính quyết định sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Với vai trò, ý nghĩa đó, nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng CSVC trường, lớp học đã được ngành giáo dục, chính quyền các địa phương quan tâm thông qua xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà.
Được sự quan tâm của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân, cơ sở vật chất, khuôn viên trường, lớp của Trường THPT Ngọc Lặc ngày một khang trang, sạch, đẹp.
Thực thi nhiều cơ chế, chính sách
Trong công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay, phát triển GD&ĐT được xác định là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, nhiều năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, mục tiêu đổi mới giáo dục. Theo đó, 5 năm qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án, chính sách và được HĐND tỉnh thông qua, như: Chế độ, chính sách cho học sinh (HS) theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đến năm 2030; sắp xếp mạng lưới các trường THPT công lập hiện có đến năm 2025; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến 2025... Đặc biệt, một số đề án, chương trình đầu tư CSVC cho ngành giáo dục đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Đề án “Mở rộng, nâng cấp các trường THPT để đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020”; “Mở rộng nâng cấp khu nhà nội trú cho HS trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; kế hoạch củng cố và phát triển Trường THCS Dân tộc nội trú...
Qua thống kê của ngành chức năng, từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí đầu tư CSVC trường học, kể cả xã hội hóa trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 1.400 tỷ đồng, trong đó, chương trình Trái phiếu Chính phủ là 524 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này nhiều trường học đã được đầu tư các hạng mục phòng, lớp học, nhà hiệu bộ, trang thiết bị dạy và học... theo hướng khang trang, hiện đại. Đơn cử như, toàn tỉnh đã xây dựng 26 trường THPT đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí 173 tỷ đồng; trang bị đồ dùng dạy học cho 24 trường THPT với kinh phí 16 tỷ đồng; xây nhà ở nội trú cho 32 trường với tổng kinh phí 151 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 189 phòng học cho các trường mầm non, tiểu học thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ... Ngoài ra, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, trong năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng. Chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình sách lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 145 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ dạy và học...
Thầy giáo Vũ Ngọc Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, cho biết: Hơn 1 năm qua, nhà trường đã được ngành chức năng, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng hàng chục hạng mục công trình như, chỉnh trang khuôn viên sân trường theo hướng xanh - sạch - đẹp - an toàn, thân thiện; cải tạo lại phòng học, hệ thống cửa phòng học; nâng cấp cổng trường; lắp đặt hệ thống phòng họp hiện đại, xây dựng mới nhà để xe cho giáo viên và HS... bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Hiện, nhà trường đang được đầu tư thêm 2 công trình là nhà đa năng và nhà học bộ môn. Kết quả này đã góp phần tạo động lực để mỗi cán bộ, giáo viên và HS phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Được biết, từ các nguồn kinh phí khác nhau, hằng năm, huyện Ngọc Lặc đầu tư khoảng 25 tỷ đồng cho xây dựng CSVC như phòng học văn hóa, phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ... ở các nhà trường trên địa bàn huyện. Theo thống kê từ năm 2017 đến hết năm 2020, từ ngân sách cấp trên, ngân sách địa phương và xã hội hóa, huyện Ngọc Lặc đã đầu tư xây dựng, tu sửa CSVC, mua sắm tài sản cho các nhà trường với tổng kinh phí lên tới 124 tỷ đồng.
Tương tự, nhiều năm qua Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện có hiệu quả kế hoạch “Xây dựng trường, lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Trong đó, tập trung quy hoạch khuôn viên trường, lớp, sân chơi, bãi tập, cổng trường, tường rào, hệ thống cây xanh, cây bóng mát, công trình vệ sinh, nước sạch... Tính đến hết học kỳ I, năm học 2020-2021, toàn huyện có 1.034 phòng học, trong đó có 923 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 89,3%. Để đáp ứng nhu cầu học tập trong năm học 2020-2021, chính quyền địa phương và ngành giáo dục đã đầu tư xây dựng mới 37 phòng học, trong đó: Mầm non 16 phòng, tiểu học 11 phòng, THCS 10 phòng. Ngoài ra, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện trang cấp thêm cho các trường trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giảng dạy với số tiền hàng tỷ đồng. Tại huyện Hậu Lộc, trong năm học 2020-2021, huyện cũng đã hỗ trợ 23 tỷ cho các nhà trường xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ. Đơn cử như Trường Tiểu học Đa Lộc xây dựng 6 phòng học văn hóa; Trường Tiểu học Đồng Lộc xây dựng 4 phòng học bộ môn; Trường THCS Cầu Lộc xây mới khu nhà hiệu bộ; Trường Mầm non Phong Lộc xây mới 5 phòng học... Theo dự kiến, giai đoạn 2021-2025, huyện Hậu Lộc sẽ dành khoản kinh phí trên 200 tỷ đồng để đầu tư CSVC cho các nhà trường, chủ yếu là xây dựng phòng học văn hóa, phòng học bộ môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng nhanh
Từ cơ chế, chính sách cùng sự quan tâm đầu tư của ngành giáo dục và chính quyền các địa phương, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua từng năm học. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 22.771/26.024 phòng, đạt 87,7%, tăng 3,7% so với năm 2015, trong đó mầm non có 6.955/8.156 phòng, tỷ lệ 82,27%; tiểu học có 8.011/9.644 phòng, tỷ lệ 83,1%; THCS có 5.476/5.811 phòng; tỷ lệ 94,24%; THPT có 2.329/2.413 phòng, tỷ lệ 96,52%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cũng tăng từ 53,13% năm 2015 lên 78,7% (tính hết quý I năm 2021). Trong đó chỉ tính riêng quý I-2021, toàn tỉnh có 41 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ví như: Trường Mầm non Na Mèo 2 (Quan Sơn); mầm non Tân Lập, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước); Trường THCS Hoạt Giang (Hà Trung); Trường Tiểu học và THCS Cẩm Yên (Cẩm Thủy)...
Trường THPT chuyên Lam Sơn trao thưởng cho học sinh và giáo viên có học sinh đoạt giải quốc gia và tham dự thi quốc tế, khu vực Châu Á năm học 2020-2021.
Kết quả này đã góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là đối với những trường thuộc vùng khó khăn không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Đánh giá của Sở GD&ĐT cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của HS các cấp học, bậc học đều tăng, cụ thể: mẫu giáo đạt 96,67%, tiểu học đạt 99,8%, THCS đạt 100%, THPT đạt 71,78%. Hiện nay, 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học cấp độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong 5 năm qua luôn đạt trên 92%. Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn đã để lại dấu ấn lớn, góp phần khẳng định vị thế của ngành giáo dục Thanh Hóa. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 409 HS đoạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; 12 em đoạt Huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Trong đó có 7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ; 4 HS đoạt Huy chương Olympic khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ). Tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật, toàn tỉnh có 5 dự án lọt vào vòng 2 chọn thi quốc tế, có 1 dự án đạt giải đặc biệt... Đây là thành tích rực rỡ nhất của Thanh Hóa trên “đấu trường tri thức” quốc tế từ trước đến nay.
Về thành tích thi đại học, trong những năm gần đây, tỷ lệ HS trong tỉnh đậu đại học luôn đạt từ 70% trở lên. Thanh Hóa là tỉnh nằm trong top đầu cả nước về số lượng HS đạt tuyệt đối 30/30 điểm; thuộc top 5 của cả nước về số lượng HS thủ khoa và HS đạt từ 27 điểm trở lên. Tính riêng 2 năm gần đây, Thanh Hóa luôn giữ vững top đầu về số HS đạt điểm cao của cả nước. Trong đó, năm 2019, toàn tỉnh có 107 HS đạt từ 27 điểm trở lên (19 HS đạt từ 28 - 29,5 điểm). Đặc biệt, có 3 em trong top 10 thuộc khối A có điểm cao nhất cả nước, đó là các em: Vũ Đức Anh (THPT Quảng Xương I) đạt 29,5 điểm; Nguyễn Thị Ngọc Mai (THPT Triệu Sơn II) đạt 28,8 điểm; Trần Khánh Linh (THPT Thiệu Hóa) đạt 28,6 điểm. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỷ lệ thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp đạt 97,64%; điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT là 6,06 điểm, tăng 0,96 điểm so với năm 2019; toàn tỉnh có 11.366 lượt thí sinh đạt điểm 9 trở lên ở các môn thi; 257 lượt thí sinh đạt điểm 10 ở các môn thi, xếp thứ 6 cả nước. Trong đó, môn Toán có 23 điểm 10, xếp thứ nhì toàn quốc, sau TP Hà Nội.
Kết thúc kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2020-2021 vừa diễn ra mới đây, toàn tỉnh có 56 HS đoạt giải ở cả 9 môn thi gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và môn tiếng Anh. Trong số 56 giải có 6 giải nhất, 24 nhì, 17 giải ba và 9 giải khuyến khích. Đặc biệt, với 6 giải nhất, Thanh Hóa xếp thứ 5 toàn quốc sau Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đại học Quốc gia Hà Nội và Nghệ An về số giải nhất. Kết quả này không chỉ là thành quả từ sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS trong dạy và học; mà còn là sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về mọi mặt, nhất là trong đầu tư CSVC trường, lớp học đối với sự nghiệp “trồng người” của tỉnh.