Xây dựng công cụ quản lý thuế kinh doanh hàng nông sản nhập khẩu
Trong quá trình quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu, cơ quan thuế đã tích cực rà soát, phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro và phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục siết chặt quản lý để chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh hàng nông sản nhập khẩu.
Kê khai doanh thu thấp hơn trị giá nhập khẩu
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực này. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý kinh doanh hàng nông sản nhập khẩu, mới đây, Tổng cục Thuế liên tiếp tổ chức hai hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu”.
Theo dữ liệu của ngành Thuế, trong 2 năm vừa qua, cả nước có 8.776 mã số thuế có phát sinh hoạt động nhập khẩu nông lâm thủy hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh; với tổng trị giá đạt 824.554 tỷ đồng, chiếm 14% trên tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra của các DN trên tờ khai; với số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp của hàng hóa dịch vụ bán ra nội địa là 37.340 tỷ đồng. Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 41.757 tỷ đồng.
Tiềm ẩn rủi ro thất thu thuế
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm (2022-2023), tổng trị giá nhập khẩu của các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản của các DN, cá nhân, hộ kinh doanh phục vụ hoạt động tiêu dùng, sản xuất kinh doanh đạt 33,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (717,4 tỷ USD). Tuy nhiên, còn nhiều DN phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản lớn hơn doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra và không kê khai doanh thu, điều này tiềm ẩn rủi ro thất thu thuế.
Nếu xét theo tỷ trọng trị giá nhập khẩu trên tổng doanh thu bán ra thì các DN thuộc nhóm có tỷ trọng đạt dưới 20% với số lượng nhiều nhất 3.765 mã số thuế. Mặc dù trị giá nhập khẩu thấp, nhưng tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra lên đến gần 5 nghìn tỷ đồng, các DN này phát sinh số nộp thuế GTGT, TNDN đạt gần 79 nghìn tỷ đồng. Ngược lại, đối với các DN thuộc nhóm có tỷ trọng nhập khẩu nông sản trên tổng doanh thu bán ra trên 100% với số lượng 2.039 mã số thuế, trị giá nhập khẩu nông sản đạt 187.658 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra chỉ đạt 105.407 tỷ đồng, bằng 56% tổng trị giá nhập khẩu nông sản.
Theo đánh giá của bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), trong quá trình hoạt động, cơ quan thuế đã tích cực rà soát, phát hiện nhiều DN có dấu hiệu rủi ro, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, hầu hết đây là những DN có phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản lớn, nhưng đã bỏ địa chỉ kinh doanh, các DN này kê khai doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra không tương xứng với trị giá nhập khẩu (doanh thu thấp hơn trị giá nhập khẩu), không phát sinh số nộp ngân sách nhà nước và được thành lập trong những năm 2022, 2023; tập trung ở các địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Tây Ninh, Lào Cai, Hải Phòng…
Rà soát, xử lý kịp thời trường hợp vị phạm pháp luật
Ngoài các trường hợp nêu trên, đại diện Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, còn có nhiều DN phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản lớn hơn doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra và không kê khai doanh thu. Về thông tin người đại diện pháp luật, có sự thay đổi nhiều lần (đa số những người này có mối quan hệ với nhau); thường xuyên thay đổi địa điểm đăng ký kinh doanh qua nhiều địa bàn nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng… Ngoài ra, vốn đăng ký kinh doanh của các DN không tương ứng với quy mô doanh thu phát sinh; thực hiện mua bán lòng vòng chủ yếu gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc xác minh hoạt động mua bán.
Ở khía cạnh khác, hiện nay giữa cơ quan thuế và cơ quan hải quan chưa có sự thống nhất về dữ liệu người nộp thuế (NNT) thực hiện kê khai trên tờ khai thuế GTGT, dữ liệu hàng hóa dịch vụ, do đó, ngành Thuế rất khó khăn trong việc rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp trên.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã và đang xây dựng các công cụ hỗ trợ cơ quan thuế các cấp đối chiếu dữ liệu thực tế của NNT nhập khẩu phát sinh tại cơ quan hải quan và dữ liệu trên tờ khai thuế GTGT; thực hiện đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử theo mặt hàng để so sánh, đối chiếu trị giá mua vào, bán ra (trước mắt là các mặt hàng nông sản nhập khẩu theo danh sách cơ quan hải quan đã cung cấp). Đồng thời, chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý thuế như: yêu cầu giải trình, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, chuyển cơ quan công an điều tra đối với các DN kinh doanh nông sản nhập khẩu có rủi ro cao về thuế.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh rà soát, theo dõi, phân tích tình hình hoạt động, kê khai của các trường hợp một người đại diện cho 2 DN trở lên để có các giải pháp quản lý, xử lý phù hợp đối với những đối tượng này. Ngoài ra, đối với cục thuế các tỉnh, thành phố, Tổng cục Thuế đề nghị tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để trao đổi các thông tin liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu nông sản, qua đó góp phần mang lại hiệu quả trong công tác quản lý thuế đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hàng nông sản nhập khẩu
Theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông sản là sản phẩm của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp (nghề làm muối).
Theo quy định của chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho DN, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp DN, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.
Hộ, cá nhân kinh doanh, DN, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.