Xây dựng cộng đồng khỏe mạnh - Bài cuối: Củng cố y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe toàn diện

Trong suốt 50 năm hình thành và phát triển của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Hoạt động khám bệnh cho người cao tuổi tại Trạm Y tế Phường 9, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Hoạt động khám bệnh cho người cao tuổi tại Trạm Y tế Phường 9, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Những nỗ lực này đang ngày càng chứng minh bằng hệ thống y tế dự phòng vững chắc và hiệu quả, từ đó sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống người dân Thành phố được nâng cao.

Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau ngày giải phóng, trước những khó khăn do chiến tranh để lại, ngành Y tế Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm nâng cao sức khỏe người dân, góp phần cùng cả nước vượt qua giai đoạn tái thiết đất nước vừa thống nhất trong bối cảnh thiết bị y tế, vật tư và nguồn dự trữ thuốc men, nguyên liệu cạn dần.

Với phương châm “y tế phải gần dân, thuận lợi cho dân”, “phòng bệnh là chính, điều trị là quan trọng”, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập trạm vệ sinh phòng dịch Thành phố và các đội vệ sinh phòng dịch ở quận huyện cùng trạm y tế phường, xã. Đây chính là lực lượng nòng cốt góp phần làm giảm và khống chế được các dịch bệnh như, sốt rét, dịch tả, dịch hạch, thương hàn, sốt xuất huyết… đồng thời giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ mù lòa, tăng sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc lúc bấy giờ.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai từ năm 1986 đã góp phần kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm tại Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005; các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine như ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi đều giảm đáng kể. Đến nay, tỷ lệ lệ tiêm chủng các loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi tại Thành phố luôn đạt trên 95%, giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

Kể từ năm 1990 khi ca nhiễm HIV đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay, đây là địa phương chịu gánh nặng bệnh HIV/AIDS lớn nhất cả nước. Số ca nhiễm HIV và tử vong do AIDS không ngừng gia tăng. Song, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí của các tổ chức quốc tế, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố từng bước được kiểm soát. Thành phố đang hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Năm 2019, một bước ngoặt đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh của Thành phố, đó là sự ra đời của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, các nguồn lực được tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện các chương trình phòng, chống dịch bệnh và chương trình sức khỏe khác.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ sự hợp nhất này mà Thành phố có thể ứng phó một cách nhanh chóng với các dịch bệnh trên địa bàn. Điển hình, khi COVID-19 xảy ra, Thành phố huy động đầy đủ các lực lượng triển khai giải pháp phòng, chống dịch nhanh chóng.

Bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trong hàng chục năm qua và đặc biệt từ COVID-19, ngành Y tế củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh triển khai rộng khắp thành phố, kết nối các cơ sở khám, chữa bệnh đến tận các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao khả năng chủ động giám sát, dự báo, phát hiện sớm, kiểm soát dịch, không để rơi vào thế “bị động” trong công tác phòng, chống dịch, bác sĩ Nga khẳng định.

Từ đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức triển khai mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng với hơn 15.000 người tham gia. Đây được xem như "cánh tay nối dài" của các trạm y tế xã, phường đến tận các hộ gia đình góp phần triển khai hiệu quả chương trình y tế cộng đồng trên địa bàn Thành phố. Những năm qua, các cộng tác viên này góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi…

Củng cố hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe toàn diện

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Bên cạnh dấu ấn trong công tác phòng, chống dịch, những năm qua, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực củng cố hệ thống y tế cơ sở, phát triển y tế cộng đồng và triển khai các chương trình sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đó, việc củng cố, nâng cao chất lượng y tế cơ sở được chú trọng.

Thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế đảm bảo chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở; hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế thông qua kết nối hội chẩn từ xa (hệ thống Telemedicine) với bệnh viện tuyến trên; đấu thầu thuốc từ riêng lẻ sang đấu thầu gộp cho tuyến y tế cơ sở nhằm đáp ứng đủ cơ số thuốc cho trạm y tế; triển khai gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu… Bước đầu, sự đầu tư này mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Từ tháng 4/2022, Trạm Y tế Phường 22, quận Bình Thạnh chính thức đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với phương thức hoạt động khác hoàn toàn so với trước đây. Bà Ngô Thị Minh Thu, Trưởng Trạm Y tế Phường 22 cho biết, trạm được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang bị máy móc thực hiện các kỹ thuật về xét nghiệm (huyết học, sinh hóa, nước tiểu, miễn dịch), siêu âm, điện tim, máy kéo giãn cột sống, xung điện... Hiện, trạm có 10 nhân sự cơ hữu trong đó có 2 bác sĩ và 1 bác sĩ tăng cường từ Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh để hỗ trợ khám, chữa bệnh vào các buổi sáng trong tuần.

Trạm y tế còn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn bằng hình thức tư vấn, hội chẩn từ xa của các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 1, 2... Nhờ được thanh toán bảo hiểm y tế đầy đủ nên từ ngày hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, mỗi ngày, Trạm Y tế Phường 22 tiếp nhận từ khoảng 50 - 70 lượt bệnh nhân, tăng hơn so với trước đây. Bệnh nhân đa số là những người bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường... được thăm khám, theo dõi và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế theo quy định.

Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh, từ năm 2024, chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi được triển khai thống nhất trên toàn Thành phố nhằm phát hiện sớm, kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính và tiết kiệm chi phí điều trị. Nhờ đó, bước đầu ngành Y tế đã xác định mô hình bệnh tật của người cao tuổi trên địa bàn Thành phố để có biện pháp điều trị và chăm sóc kịp thời.

Các hoạt động y tế cộng đồng cũng được đẩy mạnh triển khai trong thời gian dài. Điển hình là công tác nâng cao chất lượng dân số, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng sống của người dân. Hiện, tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (74,7 tuổi). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em luôn duy trì ở mức thấp nhất cả nước; chiều cao trung bình không ngừng được tăng lên…

Đặc biệt, không chỉ chăm sóc sức khỏe thể chất, ngành Y tế còn triển khai các chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, nhất là sau COVID-19 như: Triển khai thêm hoạt động “Cấp cứu trầm cảm”; tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho nhóm đối tượng khác nhau…

Song theo người đứng đầu ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh thành quả đáng tự hào đạt được, Thành phố đang đối mặt nhiều thách thức mới như: Gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi vẫn tiếp tục xuất hiện; sự gia tăng các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe (tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe người dân).

Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần các giải pháp nhằm chăm sóc toàn diện hơn nữa sức khỏe người dân về thể chất lẫn tinh thần, từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, phát triển toàn diện và bền vững.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/xay-dung-cong-dong-khoe-manh-bai-cuoi-cung-co-y-te-co-so-cham-soc-suc-khoe-toan-dien-20250424101256575.htm