Xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tại địa phương

Nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL cụ thể hóa phong trào khởi nghiệp bằng các chủ trương, chính sách nhằm xây dựng địa phương khởi nghiệp trên tinh thần đổi mới, sáng tạo

Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nhiều địa phương tại khu vực ĐBSCL quan tâm. Điển hình là tỉnh Đồng Tháp, xác định phát triển doanh nghiệp (DN), đặc biệt phong trào khởi nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp

Từ nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn thể hiện rõ quyết tâm đồng hành cùng DN trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Với chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (còn gọi là "start-up"), tỉnh tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các DN start-up thông qua hàng loạt hoạt động, chuỗi sự kiện tại TP HCM, Hà Nội; ký kết giao thương với các hệ thống siêu thị lớn; hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên, doanh nhân trẻ… Song song đó là tạo mạng lưới kết nối đa chiều giữa DN start-up với các DN lớn trong tỉnh, với người nông dân, với các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh. Đáng quý là một số doanh nhân người Đồng Tháp thành công ở các nơi khác quay về địa phương để hỗ trợ, dẫn dắt các bạn trẻ khởi nghiệp.

Kết quả thực hiện chương trình start-up, Đồng Tháp có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù được cấp giấy chứng nhận đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; trên 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết để các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần sự đồng hành của người đứng đầu các ngành, các địa phương. Đồng thời, cần khơi dậy và phát huy vai trò đồng hành, kết nối của các hội, hiệp hội, câu lạc bộ để từ đó xây dựng được cộng đồng khởi nghiệp tại các địa phương. Tỉnh mong muốn các mô hình khởi nghiệp của thanh niên sẽ được nhân rộng và phát huy hơn nữa; qua đó hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh trong tất cả DN đã và đang khởi nghiệp trong tỉnh. Mỗi cá nhân thanh niên làm kinh tế, thanh niên khởi nghiệp của tỉnh sẽ là những mảnh ghép sáng trong bức tranh khởi nghiệp của tỉnh.

"Tỉnh Đồng Tháp sẽ luôn đồng hành với DN, nhất là DN khởi nghiệp để cùng đi, cùng phát triển, cùng xây dựng một "địa phương khởi nghiệp" trên đất sen hồng Đồng Tháp" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tỉnh Đồng Tháp luôn đồng hành và hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp. Ảnh: TÂM MINH

Tỉnh Đồng Tháp luôn đồng hành và hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp. Ảnh: TÂM MINH

Đầu tư mạnh cho start-up

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, mô hình mới và kết quả khoa học công nghệ mới, sau đó tập trung đầu tư để phát triển thành DN có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đó là hướng phát triển DN start-up mà TP Cần Thơ đã và đang quyết tâm thực hiện. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP Cần Thơ, khẳng định: "TP Cần Thơ hiện có khoảng 14 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập và ngoài công lập. Các đơn vị đang hỗ trợ khoảng 100 dự án/ý tưởng khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo của các cá nhân, nhóm cá nhân và DN, được hình thành với nhiều tiềm năng phát triển thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, vận tải".

Cũng theo ông Tín, UBND TP Cần Thơ đã ban hành văn bản về tạo điều kiện phát triển DN start-up trên địa bàn. Trong đó, giao Sở KH-CN chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền quận, huyện đề xuất các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; làm đầu mối kết nối với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong nước và quốc tế để hình thành mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thiết thực cho DN start-up.

Trong năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện chương trình start-up. Chủ trương của tỉnh là tăng cường nắm bắt thông tin DN và người khởi nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách về tiếp cận nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm, trợ giúp pháp lý… Các hội, hiệp hội chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức không gian làm việc chung, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, huy động nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp của tỉnh ngày càng hiệu quả.

Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, cố vấn cấp cao về công nghệ và giải pháp VMED Group, cho rằng khởi nghiệp luôn phải gắn liền với đổi mới sáng tạo, bởi nếu không sẽ thất bại. Thực tế, rất nhiều công ty trên thế giới thất bại vì họ không biết rõ khởi nghiệp để làm gì. Đây là vấn đề mà các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần lưu ý, nhất là trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

TÂM MINH - CA LINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xay-dung-cong-dong-khoi-nghiep-tai-dia-phuong-20201227214638399.htm