Xây dựng cộng đồng văn hóa, văn minh trong từng nếp nghĩ, nếp làm

Nếp sống văn hóa, văn minh tưởng như là những khái niệm trừu tượng nhưng lại thể hiện qua từng lời nói, hành động thường ngày của mỗi người. Để xây dựng 'Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại' thì trước hết con người phải văn hóa, văn minh trong từng nếp nghĩ, nếp làm.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Bình, TP.Dĩ An và các khu phố ra quân vận động người dân dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan đường phố

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Bình, TP.Dĩ An và các khu phố ra quân vận động người dân dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan đường phố

Mỗi người vì mọi người

Bình Dương là tỉnh có tốc độ gia tăng nhanh dân số cơ học nên việc xây dựng con người văn minh luôn được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Tại nơi công cộng hay trong khu dân cư, việc thờ ơ, vô cảm, tắc trách với người yếu thế khiến dư luận bức xúc chỉ còn là hiện tượng cá biệt. Hình ảnh hai anh em Lê Nguyễn Minh Đạt, học sinh lớp 8A3 và Lê Nguyễn Minh Tiến, học sinh lớp 6A6 trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng nhận được quà của bà nội từ nước ngoài gửi về (100 đô la Mỹ) nhưng cả 2 anh em không để lại cho riêng mình mà quyết định ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của xã là một hình ảnh đẹp. Với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, tấm lòng của 2 anh em Đạt, Tiến đã góp phần làm lan tỏa tinh thần thiện nguyện trong cộng đồng, giúp người nghèo thêm ấm lòng, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Hay trường hợp của bà chủ trọ tốt bụng Phạm Thị Minh Châu ở khu phố Thạnh Bình, phường An Thạnh, TP.Thuận An. Bà quan tâm đến công nhân ở trọ từng ly từng tý một, ai ốm đau, bệnh tật, bà đều đến hỏi thăm, động viên, giúp đỡ. Lúc công nhân khó khăn, túng thiếu, bà sẵn sàng mở rộng vòng tay. Con em công nhân lao động thiếu tiền đóng học phí, sách vở, bà chạy khắp nơi vận động các nhà hảo tâm với một mong ước để các em tiếp tục đến trường cùng chúng bạn. Đặc biệt, bà đã thành lập các tổ trợ vốn giúp nữ công nhân lao động phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống. Để tránh tình trạng thất thoát vốn, bà thành lập “Nhóm nữ công nhân cùng quê”, lấy uy tín của mình để giữ chân người lao động. Năm qua, bà đã giúp 25 nữ công nhân vay vốn mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình như xe gắn máy, tivi, tạo điều kiện con em công nhân tiếp tục đến trường.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm ngàn tấm gương sáng trên địa bàn tỉnh sống vì mọi người. Sống vì mọi người, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh không chỉ thể hiện ở sự sẻ chia, giúp đỡ mà còn hiển hiện ở nhiều khía cạnh khác của cuộc sống thường nhật. Người buôn bán kinh doanh xây dựng nếp sống văn minh thương mại, không buôn gian, bán lận, không trốn thuế. Người lao động trên địa bàn tỉnh “chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả”, luôn cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đối với công ty, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, coi trọng chữ “tín”, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm với cộng đồng. Cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tốt thông điệp “kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm”, luôn gương mẫu, tận tụy với công việc, thường xuyên gần gũi với nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Gắn nếp sống văn hóa với nông thôn mới, đô thị văn minh

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu phấn đấu “Xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh chủ trương gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các phong trào thi đua đã tạo sức bật, làm lan tỏa mạnh mẽ các mô hình mới, cách làm hay giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt với các hành động, nghĩa cử cao đẹp vừa để bồi đắp truyền thống vừa góp phần hình thành hệ giá trị, chuẩn mực xã hội mới phù hợp với bản sắc “nghĩa tình” của người Bình Dương.

Hai anh em Lê Nguyễn Minh Đạt và Lê Nguyễn Minh Tiến trao tiền ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”

Hai anh em Lê Nguyễn Minh Đạt và Lê Nguyễn Minh Tiến trao tiền ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”

Ông Đặng Xuân Đối ở ấp Phú Thịnh 1, xã An Thái, huyện Phú Giáo (gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh), cho biết: “Gia đình tôi luôn tâm niệm nhân cách mỗi cá nhân đều được hình thành và phát triển từ nền tảng văn hóa gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa là cơ sở để xây dựng con người và xã hội văn minh. Vì vậy, ngoài việc hình thành nề nếp gia phong, gia đình tôi còn tiên phong hiến hơn 1.600m2 đất để mở đường kết nối giao thông tuyến đường từ trụ sở UBND xã đến khu dân cư của xã ở ven sông Bé”.

Nói về việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho rằng: “Nếp sống văn hóa được thể hiện ngay trong từng nếp nghĩ, nếp làm, nếp sinh hoạt hàng ngày của con người. Nó được hình thành từ ý thức trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người. Các đơn vị, địa phương, các tổ chức trong thành phố sẽ tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và sự tự giác của mỗi người dân trong các phong trào hoạt động tại khu dân cư. Đây là nhân tố căn cơ để xây dựng tiêu chí đô thị văn minh đạt kết quả bền vững”.

Các phong trào thi đua đã tạo sức bật, làm lan tỏa mạnh mẽ các mô hình mới, cách làm hay giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt với các hành động, nghĩa cử cao đẹp vừa để bồi đắp truyền thống vừa góp phần hình thành hệ giá trị, chuẩn mực xã hội mới phù hợp với bản sắc “nghĩa tình” của người Bình Dương.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/xay-dung-cong-dong-van-hoa-van-minh-trong-tung-nep-nghi-nep-lam-a320189.html