Xây dựng cửa khẩu thông minh

Ngày 17/8/2024, Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Mục tiêu của Đề án là xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại. Qua đó, Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác...

Cụ thể, đến năm 2027, năng lực thông quan qua cửa khẩu thông minh tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm hiện nay. Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu thông minh gấp 4 - 5 lần so với thời điểm hiện nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, với hình thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải, mô hình cửa khẩu thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng. Đồng thời giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đặc biệt, với mô hình cửa khẩu thông minh, cơ quan quản lý có thể giám sát được hàng hóa chặt chẽ hơn nhờ sự phối hợp giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc trong việc trao đổi dữ liệu của các lô hàng qua lại giữa hai bên. Đồng thời giúp ngăn chặn hiệu quả hơn những lô hàng bất hợp pháp đưa vào Việt Nam theo các mô hình truyền thống.

Bởi, quá trình giao nhận hàng hóa thông qua hình thức vận chuyển không người lái theo tuyến đường cố định 24/7 giữa hai nước, kết hợp với các thiết bị cẩu container tự động hóa trên cơ sở định hình vệ tinh và công nghệ 5G. Mặt khác, khi ứng dụng các trang thiết bị hiện đại vào cửa khẩu thông minh thì 100% các lô hàng được soi chiếu, kiểm soát chặt chẽ.

Dự kiến, từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2028, Lạng Sơn sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm Mô hình cửa khẩu thông minh nhằm đánh giá công nghệ và hạ tầng, trong đó sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo, xe tự hành không người lái, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh. Đặc biệt, phía Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu. Mô hình sẽ đi vào hoạt động thí điểm từ Quý III/2026 đến hết Quý III/2029.

Quá trình triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn cho thấy, trong tổng số kinh phí 7.966 tỷ đồng thực hiện đề án thì nguồn xã hội hóa đầu tư là 6.630 tỷ đồng được huy động từ các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực phối hợp triển khai thực hiện dựa trên hạ tầng logictics sẵn có ở cửa khẩu để sử dụng tối đa nguồn lực, đảm bảo hiệu quả đề án khi đưa vào sử dụng. Đây là kinh nghiệm quí báu để các địa phương khác triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu đường bộ trên toàn quốc.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-cua-khau-thong-minh-post479737.html