Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực

Chiều nay (4/3), UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Dự thảo nội dung đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, lãnh đạo UBND TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học.

Theo dự thảo, Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực nhằm khai thác lợi thế về địa - kinh tế - chính trị của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và thế giới, đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các thị trường tài chính truyền thống, sự đa dạng của các sản phẩm tài chính gắn liền với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số nhằm tạo ra động lực gắn với quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ giá trị tăng cao.

Dự thảo Đề án này nêu rõ, thành phố Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt như hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản, mức độ phát triển tài chính. Theo đó, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế cần có sự phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam và xu thế phát triển của quốc tế, cần có sự thận trọng trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn, một phương án khả thi trong giai đoạn ban đầu. Đà Nẵng xác định mô hình này tương tự mô hình thành công tại Singapore khi mới thành lập trung tâm tài chính.

Quang cảnh Hội thảo Tham vấn ý kiến Dự thảo nội dung đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực.

Quang cảnh Hội thảo Tham vấn ý kiến Dự thảo nội dung đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực.

“Việc tìm hướng đi, tìm Trung tâm tài chính Quốc tế của Việt Nam, trong đó có hình thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng là hoàn toàn phù hợp mục tiêu của Đảng và khát vọng phát triển của dân tộc để đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhâp cao. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định.

Dự thảo Đề án nêu rõ, Đà Nẵng đã có quỹ đất sạch khoảng 6,17 hecta đã được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính quốc tế, phù hợp để thiết kế chức năng văn phòng đảm bảo đặc thù và yêu cầu quản lý. Thành phố cũng quy hoạch 62 hecta có thể hình thành trung tâm tài chính đủ tiêu chí về hạ tầng, môi trường. Đà Nẵng hiện cũng có mức độ chuyển đổi số tốt, có đội ngũ nhân lực có trình độ, khả năng ngoại ngữ.

Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng và Tiến sĩ Trần Du Lịch chủ trì hội thảo

Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng và Tiến sĩ Trần Du Lịch chủ trì hội thảo

Đà Nẵng lựa chọn mô hình trung tâm tài chính phi truyền thống, trước mắt giới hạn phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư tài chính trong một khu vực có ranh giới xác định. Dự thảo Đề án Trung tâm tài chính còn gắn liền với các trụ cột du lịch theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, gồm các nhóm ngành nghề như Trung tâm tài chính offshore, trung tâm Fintech, các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích vui chơi giải trí cao cấp.

“Thành phố Đà Nẵng sẽ không dựa vào các trụ cột tài chính quốc gia và phát triển các sở giao dịch hàng hóa để phát triển thị trường hàng hóa, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp… mà sẽ phát triển dịch vụ offshore tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác về cung ứng các dịch vụ hỗ trợ tài chính, tiện ích vui chơi giải trí cao cấp”, TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết.

Về lộ trình phát triển, giai đoạn 2022-2024, Đà Nẵng ưu tiên thu hút lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để tranh thủ các nguồn lực quốc tế khả thi cho việc xây dựng và phát triển; Giai đoạn 2024-2030 tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính và triển khai các hoạt động trong một offshore; Giai đoạn sau 2030, khi thị trường trong nước đã thích ứng với các hoạt động tài chính mới, trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động.

Về các cơ chế chính sách, thành phố cũng xây dựng chính sách dành cho các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư thứ cấp, chính sách tiền tệ, ngân hàng, chính sách phát triển thị trường vốn, cơ chế huy động vốn, chính sách ngoại hối.

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Kinh tế vùng và Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Đề án cần làm rõ hơn đặc thù hạ tầng về tài chính của Đà Nẵng, sức cạnh tranh như thế nào? Vai trò của chính quyền đối với Trung tâm tài chính này ra sao? Dự thảo Đề án trung tâm tài chính liên quan đến nhiều bộ luật, Nghị định của Chính phủ nên cần có Nghị quyết của Quốc hội.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Đà Nẵng cần xác định 2 xu hướng nghiên cứu về xây dựng Trung tâm tài chính này: “Chúng ta có 2 xu hướng để nghiên cứu, thứ nhất là xây dựng Đà Nẵng là một Trung tâm độc lập thì phải nghiên cứu sâu và lợi thế đặc thù của Đà Nẵng để xây dựng chức năng riêng biệt. Thứ hai là phát triển Trung tâm tài chính Việt Nam theo quy mô đa Trung tâm, gồm các Trung tâm nằm ở nhiều địa phương, đề xuất Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng đề án Trung tâm tài chính Quốc tế Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến và đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam, trong đó, lựa chọn Đà Nẵng là địa phương được định hướng trở thành Trung tâm tài chính khu vực của cả nước”./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xay-dung-da-nang-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quy-mo-khu-vuc-post928324.vov