Xây dựng đặc khu kinh tế Net Zero
Nhiều chuyên gia đề xuất xây dựng đặc khu kinh tế Net Zero ở Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong để hướng tới mục tiêu tăng trưởng và tăng trưởng xanh, huy động nguồn tài chính khí hậu, thu hút được các nguồn vốn tài chính ngoại thông qua các trung tâm tài chính.
Huy động nguồn tài chính khí hậu
Tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025, diễn ra tại Hà Nội, do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng Việt Nam muốn đạt mức tăng trưởng 2 con số cần có động lực mới, tư duy chính sách, phát triển đột phá, bên cạnh các động lực truyền thống. Trong các động lực mới, các chuyên gia nhấn mạnh đến động lực số và động lực xanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chính sách, Tài nguyên và Môi trường, tỉ lệ kinh tế xanh của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 2% trong toàn bộ nền kinh tế, 98% còn lại vẫn là kinh tế “nâu”. Lịch sử thế giới cho thấy muốn tăng trưởng vẫn phải đô thị hóa, công nghiệp hóa. Động lực tăng trưởng xanh của ta phải nhìn vào cách thế giới đang hướng tới nền kinh tế Net Zero. Từ 2009, các nước giàu đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, đến năm 2022 đã làm được điều này. Tại COP29 vừa qua, con số hỗ trợ lên tới 300 tỉ USD mỗi năm, cho tới 2035 là 1.300 tỷ USD mỗi năm.
Viện trưởng Viện Chính sách, Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, theo Thỏa thuận Paris, để đạt được sự hỗ trợ trên cần 3 điều kiện: tài chính xanh, công nghệ xanh, năng lượng xanh. Nhưng hiện Việt Nam do không đủ năng lực, nên không hấp thụ được tài chính và công nghệ. Đến nay, ngay cả nguồn tài trợ 15,5 tỷ USD từ gói Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam cũng chưa sử dụng được đồng nào. Thời gian tới, khi chúng ta đẩy mạnh tiêu dùng, sản xuất, xuất khẩu thì phát thải sẽ càng lớn, năng lượng tiêu thụ càng lớn, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số là thách thức. Ngoài ra rất khó để thực hiện cải cách toàn bộ nền kinh tế về thể chế, năng lực, nhân lực, hạ tầng...
Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, chúng ta có thể thử nghiệm cải cách ở khu vực thí điểm. Bài học từ Trung Quốc vào năm 1979 khi họ thực hiện tự do hóa tại khu vực Thẩm Quyến. Và chúng ta chỉ có thể trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế nếu như chúng ta tự do hóa được tài khoản vốn. Ở Đà Nẵng và TPHCM không có cơ hội để tự do hóa tài khoản vốn vì rủi ro với nền kinh tế. Chính vì vậy phải có giải pháp đột phá, khác biệt với giải pháp truyền thống mới có khả năng đạt tăng trưởng 2 con số. Tại Việt Nam, chúng ta có thể bắt đầu thí điểm từ các đảo Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn, để xây dựng đặc khu kinh tế Net Zero, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh rằng việc xây dựng hạ tầng tài chính khí hậu tại các đặc khu sẽ tạo nên một hệ sinh thái kinh tế xanh hoàn chỉnh. Điều này giúp kết nối nguồn vốn quốc tế với các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam.
Hướng tới tăng trưởng xanh
Lý giải về việc đề xuất thí điểm xây dựng những đặc khu kinh tế Net Zero tại các đảo Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, các đảo kể trên có quy mô tương đương Singapore và bằng 1/3 Hồng Kông (Trung Quốc). Đây cũng là cách thức giúp huy động nguồn tài chính khí hậu thông qua tín chỉ carbon, tín chỉ sinh học. Như tại COP26 vừa qua đã đưa ra một mô hình tài chính sáng tạo BOT thông qua tín chỉ carbon. Từ đó chúng ta có thể sử dụng tín chỉ carbon để đầu tư hạ tầng xanh và đây là cơ hội cho Việt Nam hướng tới tăng trưởng nền kinh tế xanh.
Đồng quan điểm, TS Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chuyển đổi xanh sẽ là “một động cơ phản lực” góp phần vào mức tăng trưởng tham vọng hai con số của Việt Nam, bên cạnh chuyển đổi số. Vẫn theo TS Đặng Huy Đông, “nếu coi việc cất cánh của nền kinh tế gồm 2 cánh thì động cơ bên phải là chuyển đổi số, động cơ bên trái là chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh hiện tại mọi người vẫn hình dung là câu chuyện xung quanh thị trường carbon. Nhưng ngay trước mắt, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của doanh nghiệp rằng “nước đến chân” rồi. Chỉ một thời gian ngắn nữa, các sản phẩm nông nghiệp sẽ được gắn tem xanh, tem ESG...”.
Theo TS Đặng Huy Đông, chuyển đổi xanh là điều kiện bắt buộc Việt Nam cần đáp ứng để tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đang xuất khẩu hàng chục tỉ USD nông sản mỗi năm, nhưng các doanh nghiệp ngày càng đối mặt với các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn bền vững trong xuất khẩu, điều này gắn liền với các tín chỉ carbon. 2 năm trước, giá tín chỉ carbon tại EU là 90 Euro/tấn; nay trên một số sàn giao dịch tự do, con số này đã tăng lên 150 - 160 USD/tấn. Nhiều người lo ngại tín chỉ carbon sẽ là một trở ngại và đúng là như thế, nhưng thực tế, nếu nhận diện đúng và khai thác hiệu quả, đây sẽ là một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong việc tham gia thương mại quốc tế, TS Đặng Huy Đông còn cho rằng, Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. “Hiện nay đâu đó cách tuyên truyền của chúng ta vẫn đang nghĩ rằng chuyển đổi xanh là thách thức, làm chậm đà tiến của chúng ta. Mặc dù đây là thách thức nhưng nếu chúng ta nhận diện đầy đủ, kịp thời làm thì đó là động lực rất mới để ta tăng tốc” - ông Đông cho hay.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xay-dung-dac-khu-kinh-te-net-zero-10299462.html