Xây dựng Đảng, mảng đề tài rèn giũa bản lĩnh người viết

Đề tài xây dựng Đảng là một trong những mảng đề tài rộng và cực kỳ quan trọng của báo chí. Một tờ báo, đặc biệt là báo Đảng có nhiều bài viết về đề tài này sẽ khẳng định được vai trò, trách nhiệm và uy tín của mình với đời sống chính trị của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, mảng đề tài xây dựng Đảng hiện nay vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, bởi không ít người viết còn suy nghĩ rằng mảng đề tài này thường khô khan, khó viết dẫn đến… ngại viết. Tuy nhiên, qua thực tế các giải báo chí về xây dựng Đảng ở địa phương và toàn quốc, có thể thấy rằng đề tài về xây dựng Đảng không phải là đề tài khó tìm hiểu, không khô khan và khó viết như một số người nghĩ. Ngược lại có thể khẳng định rằng, xây dựng Đảng chính là mảng đề tài góp phần rèn giũa bản lĩnh và nâng cao uy tín cho người viết.

Báo Đảng Hà Giang đến với chiến sỹ Đại đội 19 Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Báo Đảng Hà Giang đến với chiến sỹ Đại đội 19 Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Qua các giải báo chí về xây dựng Đảng ở các địa phương và toàn quốc, trong đó có giải báo chí về xây dựng Đảng của tỉnh Hà Giang, có thể thấy nhiều tác phẩm báo chí đạt giải là những đề tài hết sức gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Đó là những tấm gương tận tụy cống hiến, là những cách làm hay, mới, bắt nguồn từ chủ trương, đường lối, phương thức lãnh đạo linh hoạt, đúng đắn của các cấp ủy Đảng. Nhiều tác phẩm đạt giải là những đề tài phản ánh bất cập trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở…

Từ ý kiến của các chuyên gia qua các giải báo chí về xây dựng Đảng, có thể nhận thấy không hẳn phải là những đề tài thiên về lí luận, tư tưởng, hàn lâm, nhiều đề tài về xây dựng Đảng đạt giải là những đề tài mang đậm hơi thở cuộc sống. Đó là những đề tài chỉ rõ sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của tổ chức Đảng ở cơ sở hay những đề tài “nóng” là cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh hiện nay.

Tuy nhiên, một thực tế có thể nhận thấy trong những năm qua, báo chí cả nước nói chung mặc dù đã có sự quan tâm, có nhiều tác phẩm báo chí hay về đề tài xây dựng Đảng. Nhưng cũng không thể phủ nhận có những tờ báo, tạp chí còn rất hạn chế về số lượng, chất lượng các bài viết về mảng đề tài này; có những bài viết theo kiểu viết theo kế hoạch, viết cho đủ. Có những bài viết xây dựng Đảng nhưng nội dung lại “nhạt” thông tin về Đảng, chưa nêu bật vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp. Bên cạnh đó, có không ít những bài viết về xây dựng Đảng, nhưng chỉ dừng ở mức những thông tin chung chung, thông tin tổng kết báo cáo, lọc lại đề án, chương trình nào đó; chưa có nhiều đề tài có tính phát hiện, đúc kết thực tiễn, đề tài đi sâu vào những điểm nghẽn, điểm nóng, điểm nổi bật trong đời sống chính trị, xã hội ở cơ sở; thiếu những bài viết có những ý tưởng có thể trở thành những vấn đề có tính chất tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.

Qua quan sát và thực tiễn hiện nay về mảng đề tài xây dựng Đảng, chúng tôi nhận thấy rằng, mảng đề tài này cũng như những mảng đề tài khác, có cái khó và cũng có cái dễ. Khó là khi người viết chưa đủ khả năng, chưa hiểu rõ, hiểu sâu về cái muốn viết, trong khi đề tài xây dựng Đảng luôn đòi hỏi người viết phải chịu khó tìm hiểu, nắm được các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến đề tài viết. Còn dễ là bởi khi chúng ta đã có đủ thông tin, đủ khả năng để hiểu về đề tài chúng ta cần viết thì bài viết sẽ được xử lí nhanh gọn như các đề tài ở mảng khác. Chính bởi thế, để viết được về đề tài xây dựng Đảng, chúng ta cần có một phông kiến thức cơ bản về chủ trương, đường lối của Đảng, cần có sự chịu khó tìm hiểu các văn bản, nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến vấn đề viết. Khó, nhưng nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu và viết, dần dần các bài viết sẽ là mạch nguồn giúp chúng ta có thể tìm hiểu, bắt nhịp và có thể viết được nhiều đề tài về xây dựng Đảng hơn.

Từ buổi trao đổi kinh nghiệm viết về xây dựng Đảng do Ban Tổ chức TW thực hiên mới đây, các chuyên gia lưu ý, khi mới viết về đề tài xây dựng Đảng, chúng ta nên bắt đầu với những đề tài mà nội dung có tính gần gũi, quen thuộc; tránh chọn những đề tài khó, đề tài rộng, đề tài có tính lí luận vượt tầm tư duy của người viết. Đề tài về xây dựng Đảng không có nghĩa là trong bài viết lúc nào cũng nói đến Đảng, đến tổ chức Đảng, đảng viên. Nó có thể bắt đầu từ chủ trương, đường lối của Đảng đến kết quả là những đổi thay tích cực trong cuộc sống thường ngày ở một địa phương, đơn vị nào đó. Nó có thể là những đề tài phản ánh về những bất cập tại một cơ sở, một cơ quan, đơn vị nào đó với những việc làm trái với chủ trương, đường lối của Đảng...

Có thể nói rằng, không chỉ mảng đề tài xây dựng Đảng, trong báo chí, viết các mảng đề tài khác cũng chưa bao giờ là dễ. Bởi viết ra một bài viết là chưa đủ, cần viết làm sao cho đúng, cho trúng và hay mới là quan trọng nhất. Vì thế, mảng nào cũng có cái khó và cái dễ và dễ hay khó tất cả đều phụ thuộc vào tư duy và nỗ lực của người viết. Viết về đề tài xây dựng Đảng ban đầu có thể không dễ, nhưng đã bén với mảng đề tài này, người viết dễ đạt được cái tầm và cái tâm của nghề viết, thể hiện được trách nhiệm với tờ báo, với những nhiệm vụ chính trị của địa phương và đất nước; đó là việc mài giũa khả năng tư duy, lí luận gắn với thực tiễn của người viết. Qua những bài viết về mảng đề tài xây dựng Đảng, sẽ khẳng định nhiệt huyết, bản lĩnh của người viết, từ đó bút sẽ thêm sắc, lòng thêm trong qua những bài viết về mảng đề tài rất ý nghĩa này.

Bài, ảnh: Huy Toán

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/dang-trong-cuoc-song-hom-nay/202306/xay-dung-dang-mang-de-tai-ren-giua-ban-linh-nguoi-viet-6492352/