Cần có chính sách để thu hút giáo viên cho các môn học khó tuyển dụng

Chiều 24.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Nhà giáo.

Góp ý về tuyển dụng giáo viên, các đại biểu cho rằng, quy định chưa khẳng định được tính thống nhất áp dụng chung một văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động tuyển dụng giáo viên trong môi trường đào tạo của quốc gia, trong đó, có cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập.

Theo các đại biểu, pháp luật cần hướng tới sự bình đẳng trong quy định pháp luật để điều chỉnh các chủ thể tham gia quá trình tuyển dụng giáo viên phục vụ tốt hơn công tác đào tạo trong xã hội chủ nghĩa pháp quyền Việt Nam hiện nay.

Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn cho rằng, Luật Nhà giáo cần xác định rõ thể hiện được vai trò quan trọng của nhà giáo trọng việc bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như vị trí của đội ngũ này trong xã hội để được tôn vinh và đáp ứng quyền lợi cho xứng đáng. Trên thực tế, nhà giáo là người trực tiếp sử dụng các chính sách và chương trình giáo dục, có trách nhiệm truyền đạt kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh và tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển chương trình giáo dục thông qua các hoạt động chuyên môn để phát huy nhân cách và năng lực của người học.

Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật này có quy định chuyển tiếp trong thực hiện chính sách nhà giáo để xử lý các trường hợp xảy ra trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực. Nội dung chuyển tiếp liên quan đến tuyển dụng, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo, nghỉ hưu, cấp giấy phép hành nghề…

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới không có luật riêng về nhà giáo mà quy định ở luật giáo dục và các luật chuyên ngành có liên quan. Do đó, cần thuyết minh rõ về tính khoa học, tính pháp lý và nhu cầu thực tiễn của việc ban hành Luật Nhà giáo, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo giữa dự thảo Luật Nhà giáo với các luật hiện hành, trong đó có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

“Luật cần cho phép ngành giáo dục được tự chủ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng giáo viên, đồng thời cần có chính sách để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên ở các môn học khó tuyển dụng”, bà Thủy đề xuất.

Về chính sách tuyển dụng, sử dụng giáo viên, PGS.TS Hồ Xuân Thắng thông tin, công tác tuyển dụng giáo viên ở cấp quận, huyện hiện đang gặp khó khăn do phải thông qua Phòng Nội vụ. Việc tổ chức một kỳ tuyển dụng công phu, tốn kém, tuy nhiên, thực tế do quy định của ngành Nội vụ là cho phép tuyển dụng bất cứ thời điểm nào, giáo viên có thể tham gia ứng tuyển nhiều nơi nên các phòng giáo dục và đào tạo khi tuyển dụng rất bị động.

Do vậy, Luật cần quy định tuyển dụng giáo viên mỗi năm một lần vào đầu năm học, hoặc thật cần thiết tuyển dụng thêm một lần nữa vào đầu học kỳ 2. Ngoài ra, cần có quy định ràng buộc người đã trúng tuyển không được tham gia ứng tuyển ở quận, huyện khác trong năm đó để không gây xáo trộn trong đội ngũ.

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/can-co-chinh-sach-de-thu-hut-giao-vien-cho-cac-mon-hoc-kho-tuyen-dung-224195.html