Xây dựng Đảng – Xây đắp niềm tin của nhân dân với Đảng
Tiến trình phát triển của Đảng ta đã chứng minh: Mọi thắng lợi của cách mạng đều xuất phát từ sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 'Sức mạnh quần chúng' chỉ được tập hợp, phát huy thực sự khi tổ chức Đảng được người dân đặt trọn niềm tin. Vì vậy, công tác xây dựng Đảng có nhiều nội dung và nhiệm vụ, nhưng có thể hiểu xây dựng Đảng chính là nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu, hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Đảng mạnh thì niềm tin của nhân dân sẽ lớn, sẽ trọn vẹn và sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ giành thắng lợi. Nói cách khác, xây dựng Đảng là xây đắp niềm tin của nhân dân với Đảng...
Đúc rút thực tế từ những chuyến công tác đến với nhiều địa phương khu vực biên giới, vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số - những vùng đất gắn với “thuộc tính” khó khăn, có thể nhận thấy, những địa phương thành công trong thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân, hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo... là những nơi tổ chức cơ sở Đảng phát huy được vai trò lãnh đạo, định hướng phát triển bằng những nghị quyết đúng và trúng, có chương trình hành động cụ thể. Hơn hết, yếu tố quyết định thành công là sự đồng lòng hưởng ứng, chung tay thực hiện của người dân...
Bài 1: Khi “ý Đảng” gặp “lòng dân”
Lên với Lạng Sơn những ngày cuối tháng 9, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn đến một đảng bộ địa phương để tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng, ông Nông Văn Thảm – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn nói ngay: “Lên với Bình Gia đi, ở đấy anh em làm tốt lắm, Bình Gia được chọn tiến hành Đại hội điểm của Lạng Sơn đấy”...
Định hướng đúng, nghị quyết trúng
Không được biết đến nhiều như Đồng Đăng, Hữu Nghị, Tân Thanh thuộc địa bàn các huyện biên giới của Lạng Sơn với cửa khẩu, giao thương hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu sôi động... Bình Gia – huyện miền núi bình yên, lặng lẽ chỉ được nhắc đến với không ít khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây Bình Gia đang chuyển mình mạnh mẽ. Sự chuyển mình trong đời sống, kinh tế của người dân, trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng – vốn là thế mạnh của địa phương. Phát triển bằng tiềm năng, thế mạnh với mỗi địa phương là việc phải làm, tuy nhiên với kinh tế lâm nghiệp, phát triển đồi rừng thì không dễ triển khai. Bởi lẽ, trồng rừng thì phải hàng chục năm mới cho thu hoạch và người dân phải bỏ rất nhiều công sức. Trong khi với một địa bàn như Lạng Sơn, không khó để người dân miền núi tìm được công việc như làm thuê, bốc hàng tại các cửa khẩu để có thu nhập, để lo cho nồi cơm hàng ngày, con em học hành... Thế nhưng, Bình Gia lại đang tạo được phong trào nhà nhà phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi tạo nên ‘thế trận” bền vững trong đời sống người dân. Theo báo cáo chính trị trình Đảng bộ huyện Bình Gia nhiệm kỳ 2020 – 2025, giai đoạn 2015 – 2020 toàn huyện trồng trên 5.300 ha rừng sản xuất, khai thác gỗ rừng trồng bình quân hàng năm 1.731m3/năm, bước đầu tạo thu nhập ổn định cho người dân. Cùng với đó, những năm qua địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư vào những cây trồng có thế mạnh có giá trị kinh tế như: cây hồi, quế, thạch đen, quýt, trồng cây lấy gỗ. Sản lượng hoa hồi khô bình quân đạt 1.538 tấn, thạch đen 1.900 tấn, quýt trên 300 tấn... Dù qui mô chưa lớn những bước đầu hình thành sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong dân.
Trong không khí thành công của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bí thư huyện ủy Lương Trương Đạt chia sẻ: Thành công nhất của Bình Gia đến nay là tạo được “sức nóng” trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Người dân tích cực tham gia với một tâm thế vững vàng. Không có cửa khẩu, địa bàn hoàn toàn trong nội địa, đất đai đồi rừng rộng lớn nếu không phát triển kinh tế nông lâm nghiệp thì lãng phí tiềm năng. Quan trọng hơn, từ những nhiệm kỳ trước, giai đoạn trước Đảng bộ huyện đã có những định hướng, xác định hướng đi trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Giai đoạn khó khăn ban đầu đã qua, người dân đã nhận thấy lợi ích, tính bền vững và bước đầu đã được thành quả từ kinh tế nông, lâm nghiệp... Về phát triển kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vừa qua cũng đã đưa lên hàng đầu chương trình phát triển kinh tế đồi rừng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất ở các xã để phấn đấu thực hiện thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP)... Như vậy, kinh tế nông lâm nghiệp vẫn phải là chủ đạo, xuyên suốt. “Phát triển kinh tế nông lâm nghiệp không chỉ là Nghị quyết, là định hướng của của Đảng bộ huyện mà đã gắn chặt với ý chí, quyết tâm của người dân. Cái chúng tôi cần là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả nhất, là áp dụng khoa học công nghệ, làm tốt vấn đề thị trường cho hàng hóa sản phẩm...” – ông Lương Trương Đạt bày tỏ.
“Cộng hưởng” niềm tin
Những năm qua, có nhiều nghị quyết của Trung ương, địa phương đi vào cuộc sống, tạo được sự “cộng hưởng” từ niềm tin, chung tay thực hiện của người dân để có những thành công, giúp xóa đói giảm nghèo, người dân nâng cao thu nhập. Minh chứng cho điều đó là thành quả xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua đã được thế giới ghi nhận...
Ở khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có không ít những địa phương đã có sự đổi thay, bứt phá. Cùng với Bình Gia (Lạng Sơn), có thể kể đến 2 huyện biên giới khó khăn thuộc diện 30a của tỉnh Lào Cai là Mường Khương và Si Ma Cai cũng đã có những đổi thay lớn từ những nghị quyết, định hướng đúng, tạo được phong trào trong phát triển kinh tế giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Như tại Mường Khương – địa phương vốn nổi tiếng với những sản phẩm thương hiệu như gạo Séng cù, tương ớt, hay quýt Mường Khương... Nhờ định hướng đúng, người dân hưởng ứng triển khai mà đến nay Mường Khương đã tạo dựng được các mô hình sản xuất hàng hóa với một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, sản lượng lớn, đời sống người dân nhờ đó mà khấm khá hơn... Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đề ra Nghị quyết, trong đó thống nhất thực hiện 03 đột phá, thì đột phá đầu tiên là “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là các xã có tỷ lệ nghèo cao”... Hay như tại Si Ma Cai – huyện biên giới có thể xếp vào diện khó khăn nhất cả nước. Để giúp Si Ma Cai có bước chuyển mình, rút ngắn “khoảng cách” với các địa phương khác trong tỉnh, năm 2014, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nghị quyết riêng cho Si Ma Cai - Nghị quyết 22 (ban hành ngày 11/11/2014). Nghị quyết hướng đến nhiều lĩnh vực, nhưng quan trọng nhất là hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đến nay, không chỉ cán bộ, đảng viên mà từng người dân ở Si Ma Cai đều biết và nhắc đến “Nghị quyết 22”...
Vốn là địa bàn núi dốc, hạn chế đất sản xuất nên Nghị quyết 22 đã “chọn” hướng phát triển kinh tế cho Si Ma Cai là chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là con trâu vốn được xem phù hợp nhất với địa bàn khí hậu vùng cao... Qua tìm hiểu, mặc dù có những khó khăn, còn những bất cập khi triển khai, nhưng có thể khẳng định Nghị quyết đã tạo sức lan tỏa. Trong chuyến công tác vừa qua lên vơíSi Ma Cai, vào từng thôn bản, hộ dân, có thể thấy Si Ma Cai đã tạo được phong trào, mô hình phát triển kinh tế hộ thiết thực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân có thêm nghề nuôi trâu, bò vỗ béo để có thu nhập ổn định. Phần lớn các hộ đều có 2 – 3 con trâu, điển hình có những hộ có đến 15 – 20 con. Với giá bán lên đến vài chục triệu thì có thể nói việc phát triển chăn nuôi đã giúp người dân miền núi có thu nhập, có được tài sản lớn, điều mà trước đây ít người dám nghĩ đến...
Bài 2: Để dân tin – Đảng viên phải tiên phong, làm gương