Xây dựng đảo ngọc Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ cao
Tròn 48 năm, kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước, đứng lên từ hoang tàn trong chiến tranh, Phú Quốc ngày càng trở thành 'viên ngọc' quý - một đảo ngọc xinh đẹp đổi thay toàn diện, vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Đảo ngọc Phú Quốc đang trên tiến trình xây dựng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp khu vực và thế giới.
Hồi ức 50 năm “Chiến thắng trở về”
Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh… ; nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc với diện tích tự nhiên hơn 593 km². Trước năm 1975, trong kháng chiến đánh đuổi kẻ thù xâm lược, cũng như nhiều địa phương khác trên đất “Nam bộ thành đồng”, đảo Phú Quốc thấm đẫm máu đào, nước mắt và sự hy sinh, mất mát của bao lớp cha anh chiến đấu anh dũng giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nơi đảo ngọc Phú Quốc, những chiến sĩ cách mạng “Tù binh Cộng sản” không thể nào quên chế độ tù đày tàn ác, dã man của thực dân, đế quốc; ám ảnh bởi Trại giam Căng Cây Dừa, Trại Huấn chính Cây Dừa, Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc được gọi là “Địa ngục trần gian”.
Nhân kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”, nhiều chiến sĩ cách mạng là cựu tù binh năm xưa trở lại thăm đảo Phú Quốc với nhiều cảm xúc. Ông Đinh Duy Điệp, Ủy viên Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình xúc động chia sẻ, tháng 3/1973 của thế kỷ trước, Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh; trong đó có tù binh Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc nằm trên đảo Phú Quốc. Đây cũng là thời điểm kết thúc sự tồn tại của “Địa ngục trần gian”. Thoát khỏi ngục tù, nhiều cựu tù binh tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới, tiếp bước quân hành, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc là trại giam lớn nhất của Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam, giam giữ hơn 40.000 tù binh là các chiến sĩ yêu nước và dân thường bị bắt trong các cuộc chiến đấu, càn quét ở khắp các tỉnh, thành miền Nam. Với 7 năm hoạt động (1967 - 1973), áp dụng hơn 40 hình thức tra tấn dã man đối với tù binh, nơi đây đã giết hại hơn 4.000 người. Số người còn sống trở về hầu hết mang thương tật suốt đời, đau yếu bởi di chứng của đòn roi tàn bạo trong lao tù.
Ông Dương Minh Phú, (cựu tù binh Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc đến từ tỉnh Phú Thọ) nhớ lại, kẻ địch đày ông ra đảo Phú Quốc nhốt 2 năm ở nhà tù này. Tại đây, ông bị nhốt 7 ngày trong chuồng cọp do cùng đồng đội đấu tranh tuyệt thực để chống lại sự đàn áp của quân cảnh. Hôm nay, nhìn lại khu biệt giam phân khu 2 cũ đã giam cầm, đày đọa những chiến sĩ Cộng sản cách đây hơn 50 năm trước, ông không cầm được nước mắt.
Trại giam Tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc là bằng chứng về tội ác dã man của bọn thực dân, đế quốc và tay sai. Nơi đây, trong cảnh đen tối của “Địa ngục trần gian” lại rực sáng lên màu đỏ tươi của ngọn lửa yêu nước, tấm gương đấu tranh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, của nhân dân. Đây là những tấm gương anh hùng cách mạng, khí phách Việt Nam, góp phần tô thắm thêm những trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đến từ tỉnh đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ), ông Xuân Điền (cựu tù binh Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc) bồi hồi kể lại, kết nạp Đảng được 19 ngày, ông bị địch bắt đưa ra trại giam Phú Quốc. Ở đây 2 năm, ông được tổ chức Đảng giao cho việc đào hố để chôn can nhựa 5 lít đựng gạo rang phòng khi tuyệt thực đấu tranh lấy lên ăn cầm hơi. Tại đây, ông đã chứng kiến, tiếc thương đồng chí, đồng đội bị kẻ địch tra tấn, đánh đến chết. Điều này ám ảnh ông đến hôm nay. Từ khi được trao trả vào tháng 3/1973 đến nay, đây là lần thứ 5 trở lại Phú Quốc và lần nào ông cũng khóc.
Đảo ngọc Phú Quốc hiện đại
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình bày tỏ, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước vĩnh viễn nằm xuống và hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng để lại một phần thân thể trên chiến trường, mang thương tật suốt đời. Đảng bộ, quân, dân Kiên Giang trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, luôn ghi nhớ công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước, các cựu tù chính trị, tù binh Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chính phủ và tỉnh Kiên Giang xác định xây dựng đảo Phú Quốc phát triển bền vững; hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng và quốc gia. Từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á; theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh và của cả nước.
Từ một hòn đảo hoang tàn sau kết thúc chiến tranh năm 1975, đảo ngọc Phú Quốc hôm nay là thành phố biển xinh đẹp, đô thị loại 2 với dân số gần 150.000 người. Kinh tế phát triển nhanh, hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế Phú Quốc, tuyến giao thông huyết mạch Nam - Bắc với hệ thống cầu đường trên đảo cơ bản đồng bộ, cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc và lưới điện vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc đưa điện quốc gia ra đảo ngọc, các khu đô thị mới hiện đại… Nơi đây đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm đầu tư như: Vingroup, Sungroup, CEO, BIM... tạo ấn tượng, sức hấp dẫn của du lịch đảo ngọc đối với du khách trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, hiện Phú Quốc có 338 dự án đầu tư; trong đó, 52 dự án đi vào hoạt động, 78 dự án đang triển khai; tổng vốn đăng ký đầu tư gần 340.000 tỷ đồng, đã giải ngân gần 15.000 tỷ đồng. Năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 23.125 tỷ đồng, thu ngân sách 6.000 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Mức sống và thu nhập của người dân tăng cao. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,25%. Giáo dục, y tế được địa phương chú trọng, quan tâm đầu tư. Địa phương phấn đấu đến trước năm 2025 đạt chuẩn thành phố đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phú Quốc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của người chiến sĩ cách mạng, tiếp tục tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó, động viên thế hệ thanh niên ra sức học tập, lao động, công tác, nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cha ông đi trước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và quê hương Kiên Giang giàu đẹp. Phú Quốc với di tích lịch sử nhà tù đã từng là “Địa ngục trần gian” giam cầm những chiến sĩ cách mạng đang biến đổi từng ngày trở thành đảo ngọc năng động và phát triển của miền Tây Nam Tổ quốc.