Xây dựng Đề án chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2035, định hướng đến năm 2050
Bộ Xây dựng vừa có văn bản thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp về xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2035, định hướng đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 4/3/2014 (gọi tắt là Chiến lược 318) đến nay đã hết hiệu lực.

Bộ Xây dựng lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển mới cho lĩnh vực vận tải, đồng thời, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết (ảnh minh họa).
Do vậy, việc xây dựng một chiến lược phát triển mới cho lĩnh vực vận tải là yêu cầu cấp thiết, trong bối cảnh đất nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025 và hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Theo Thứ trưởng, Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 sẽ có phạm vi nghiên cứu rộng, bao gồm các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
Nội dung nghiên cứu bao trùm toàn bộ các hoạt động liên quan đến giao thông vận tải: từ kết cấu hạ tầng, phương tiện, nguồn nhân lực, công nghệ, đến vận tải đa phương thức, logistics, thị phần vận tải, chính sách phát triển ngành...
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả xây dựng Đề án, Thứ trưởng yêu cầu tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2025 nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược 318 (số liệu cập nhật đến hết tháng 6/2025), làm cơ sở xây dựng chiến lược mới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng thành lập tổ nghiên cứu xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 (ảnh minh họa).
Vụ Vận tải và An toàn giao thông được giao chủ trì, phối hợp với Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng để tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành văn bản gửi các Cục quản lý chuyên ngành, Sở Xây dựng các địa phương, đề nghị báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược 318.
Các Cục quản lý chuyên ngành được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Học viện để tham mưu nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ từng đơn vị. Vụ Kế hoạch - Tài chính được giao bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án, ưu tiên sử dụng nguồn lực từ Chương trình A4G (Australia) để phục vụ điều tra khảo sát, xây dựng ma trận O-D (điểm đi - điểm đến) hàng hóa và hành khách, dự báo nhu cầu vận tải, thuê chuyên gia tư vấn quốc tế...
Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng được giao thành lập tổ nghiên cứu Đề án, với sự tham gia của đại diện các Cục chuyên ngành, Trung tâm Công nghệ thông tin, chuyên gia và doanh nghiệp tiêu biểu từng lĩnh vực.
Đồng thời, mỗi Cục quản lý chuyên ngành sẽ thành lập tổ nghiên cứu riêng gồm: đại diện hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp lớn trong ngành và một số chuyên gia, nhà khoa học.