Xây dựng đề án di dời nhà máy vào khu, cụm công nghiệp

Để đảm bảo phát triển bền vững, Đồng Nai đang từng bước thực hiện chương trình di dời các doanh nghiệp (DN) sản xuất nằm trong các khu dân cư và thuộc danh mục ngành nghề ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp tập trung.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành bao bì ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành bao bì ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Theo Kế hoạch số 172/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 15-5-2024, trong năm 2024, các địa phương trong tỉnh sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu DN và xây dựng xong phương án di dời trong năm 2024. Trên cơ sở đó, tỉnh lập đề án di dời cấp tỉnh trong năm 2025.

Phân cấp xây dựng đề án di dời

Theo kế hoạch xây dựng đề án đề xuất lộ trình di dời thì từ nay đến năm 2030, tiến hành xem xét, đề xuất di dời các dự án sản xuất công nghiệp chưa thực hiện hồ sơ pháp lý hoạt động sản xuất công nghiệp tại vị trí đang hoạt động.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên thực hiện di dời sớm các dự án có vị trí sản xuất trong khu dân cư đông đúc, gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường sống xung quanh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc danh mục các ngành nghề ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Sau năm 2030, sẽ di dời các dự án sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vị trí hoạt động sản xuất công nghiệp nhưng nằm trong khu dân cư, không còn phù hợp quy hoạch trong giai đoạn tới và đã hết thời hạn hoạt động theo giấy phép.

UBND tỉnh giao các địa phương xây dựng đề án đề xuất lộ trình di dời DN sản xuất vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn cấp huyện. Trên cơ sở đề án cấp huyện, Sở Công thương xây dựng đề án cấp tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan phối hợp thực hiện đề án.

Cùng với việc mong muốn được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tài chính, các DN đề nghị có lộ trình di dời phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh sức sản xuất, thị trường tiêu thụ vẫn đang khó khăn như hiện nay.

Về mốc thời gian thực hiện việc xây dựng đề án, tỉnh yêu cầu trình phê duyệt phương án di dời cấp huyện chậm nhất tháng 12-2024, đồng thời xây dựng phương án di dời cấp tỉnh trong năm 2025. Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ DN trong quá trình di dời dự kiến cũng sẽ được trình HĐND tỉnh ban hành trong năm 2026.

Việc tái cơ cấu cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn là điều kiện để Đồng Nai hướng đến phát triển bền vững.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc tiếp xúc, làm việc với DN, nhà đầu tư là Đồng Nai sẽ không giới thiệu và cấp phép cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh tại những khu vực không phù hợp quy hoạch. Chọn lọc DN, chọn lọc đầu tư cũng đặt ra yêu cầu đối với tỉnh trong việc sẵn sàng các điều kiện về mặt bằng sản xuất để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

* DN mong có chính sách hỗ trợ sát sườn

Đối với các DN quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% số lượng DN) thì việc có được nơi sản xuất ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về an toàn, bền vững vẫn là điều rất khó khăn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh Nguyên Hảo (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Quốc Hùng, một trong những nguyện vọng cấp thiết của DN là có được khu sản xuất ổn định để yên tâm xây dựng lộ trình phát triển lâu dài. Do đó, DN mong muốn trong quá trình sắp xếp lại cơ sở sản xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất cho DN.

Tương tự, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho biết, thời gian qua, tỉnh có nhiều văn bản yêu cầu các DN hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp gặp nhiều trở ngại.

Theo ông Hưng, muốn cho cộng đồng DN trên địa bàn phát triển ngày một vững mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu Đồng Nai thì phải có chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình hoạt động. Tỉnh cần hoàn thiện các cụm công nghiệp hiện hữu, thành lập thêm khu, cụm công nghiệp mới, hạ tầng thuận lợi để DN di dời thuận lợi và nhanh chóng.

Khảo sát ý kiến của nhiều DN nhỏ và vừa cho thấy họ mong muốn được bố trí vào các cụm công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp với ngành nghề. Đồng thời, Nhà nước có chính sách hợp lý trong đào tạo nghề, giúp DN tuyển dụng lao động sản xuất, kết nối tốt hơn với các đối tác, tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn để gia tăng cơ hội cung ứng hàng hóa, sản phẩm.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/xay-dung-de-an-di-doi-nha-may-vao-khu-cum-cong-nghiep-e905a6a/