Xây dựng diễn đàn nghiên cứu văn học so sánh tại Đông Nam Á
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế 'Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lý thuyết và những khả năng ứng dụng'.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Văn học.
Hội thảo thu hút sự tham gia của 50 nhà nghiên cứu trong nước và 23 học giả quốc tế đến từ các nước Đông Nam Á và các quốc gia Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội, nhận định, cùng quá trình hội nhập, việc nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Nam Á cũng được đẩy mạnh ở Việt Nam. Trong xu thế này, việc nghiên cứu, giảng dạy văn học Đông Nam Á đòi hỏi ở Việt Nam phải có sự chuyển dịch cả về quan điểm, cách tiếp cận, lý thuyết và khả năng thực hành.
Do đó, Hội thảo là cơ hội giúp các nhà khoa học cùng tìm ra giải pháp thúc đẩy nghiên cứu và giảng dạy văn học so sánh tại Việt Nam. Qua đây, hình thành một diễn đàn học thuật thường niên về văn học so sánh Đông Nam Á để cập nhật chủ đề, phương pháp tiếp cận và chia sẻ các thể nghiệm mới đối với bộ môn khoa học này trong khu vực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: nền văn học Đông Nam Á luôn biểu hiện những đặc trưng, căn tính dân tộc, văn hóa của mỗi quốc gia trong tiến trình chuyển động chung và tương tác văn hóa của khu vực. Tuy nhiên, bộ phận văn học này chưa chiếm được vị trí đáng kể trong bức tranh của văn học thế giới. Vì vậy, đây là cơ hội tiếp cận các tác phẩm văn học Đông Nam Á đương đại trong sự so sánh, quy chiếu để thảo luận về các vấn đề lịch sử, dân tộc, văn hóa, xã hội từ các góc nhìn lý thuyết hiện đại.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Văn học đã đặt ra vấn đề văn học Đông Nam Á dường như chưa được hiện diện trong các công trình nghiên cứu lịch sử nghiên cứu của bộ môn văn học so sánh của thế giới.
Sự thiếu hụt này mới được những nhà nghiên cứu văn học phương Tây quan tâm, chú ý trong thời gian gần đây. Nhưng chỉ dừng lại ở việc cung cấp chất liệu cho các lý thuyết về mối quan hệ giữa văn học và các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội. Bởi vậy, Hội thảo này sẽ là dấu mốc cho sự phát triển cho sự phát triển của văn học so sánh Đông Nam Á.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã gửi tới nhiều ý kiến tâm huyết, có hàm lượng trí thức cao về văn học so sánh trên tinh thần trao đổi cởi mở, thắng thắn, dân chủ, tự do học thuật.