Xây dựng đồ án mẫu trước khi nhân rộng
Sau hơn 10 năm thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP Hà Nội đã chỉ đạo, các huyện tổ chức lập các Quy hoạch chung xây dựng huyện, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới (100% xã).
Hà Nội cũng chỉ đạo triển khai những Quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/500 (727 đồ án). Những quy hoạch xây dựng này đều đã xác định khá cụ thể về tổ chức không gian các khu chức năng để phục vụ yêu cầu quản lý, song thực tiễn vẫn còn tồn tại không ít vướng mắc, bất cập.
Quản lý không bắt kịp thực tiễn
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, do các quy định trong hệ thống văn bản còn chồng chéo dẫn đến bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch tại các huyện ngoại thành Hà Nội.
Cụ thể, theo Luật Xây dựng năm 2013, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc đối tượng được miễn Giấy phép xây dựng, trong khi trên địa bàn huyện thuộc khu vực đô thị trung tâm (theo định hưởng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô) đã cơ bản được phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.
Nếu không quản lý trật tự xây dựng sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để lại hậu quả rất lớn sau này, nhưng quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng sẽ không phù hợp với luật định.
Một số quy hoạch chi tiết được phê duyệt trước khi có quy hoạch phân khu đô thị cho nên các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc chưa phù hợp, không đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Trong khi đó, lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại khu vực nông thôn còn mỏng, chưa kiểm soát hết tình hình, dẫn đến nhiều hộ dân xây dựng sai quy hoạch, xây dựng vượt số tầng quy định.
Cấu trúc làng xã và hình ảnh kiến trúc truyền thống vùng nông thôn ngày càng bị phá vỡ, mai một dần.
Ông Lưu Quang Huy nêu thêm, việc chưa có hướng dẫn chuyển tiếp để điều chỉnh từ quy hoạch chung xây dựng huyện sang quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch nông thôn cấp xã chưa cập nhật các chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cấp huyện, TP nên khi triển khai ở các địa phương còn nhiều vướng mắc, cách làm không thống nhất.
Phần lớn các xã đều phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới. Quy định về nội dung và phương pháp giữa các quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn chưa được phân định rõ.
Chất lượng quy hoạch nông thôn chủ yếu nhằm mục tiêu đáp ứng bộ tiêu chí nông thôn mới, chưa quan tâm đến nội dung quản lý không gian cảnh quan nông thôn.
Tại nhiều huyện có tình trạng thiếu cán bộ về quy hoạch xây dựng hoặc năng lực cán bộ còn yếu, dẫn đến chất lượng thẩm định quy hoạch chưa cao tầm nhìn và tính dự báo xu hướng phát triển còn hạn chế.
KTS Lã Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở QH - KT Hà Nội) nêu thực trạng, công tác quy hoạch xây dựng tại 17 huyện của TP còn dàn trải, chưa có các phân tích, đánh giá tổng hợp và nhận diện đầy đủ các vấn đề mang tính đặc thù tại khu vực 5 huyện ven đô (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức), là các huyện có tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ diện tích và dân số đô thị cao hơn rất nhiều so với các huyện còn lại.
Trong khu vực đô thị tại 5 huyện này, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có (nằm trong các quy hoạch phân khu đô thị) chưa được triển khai đồng bộ với các dự án phát triển đô thị tiếp giáp xung quanh, dẫn đến những bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý theo quy hoạch trong tương lai gần, khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận.
Bài học kinh nghiệm của nước Úc
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho biết, hệ thống quy hoạch của mỗi quốc gia đều có những điểm đặc thù phù hợp với bối cảnh thể chế kinh tế chính trị riêng của từng nơi và không dễ gì rập khuôn áp dụng cho những quốc gia có bối cảnh và đặc điểm hoàn toàn khác. Tuy nhiên, hệ thống quy hoạch của Úc có một số điểm đáng để Hà Nội tham khảo.
Tổng thể hệ thống quy hoạch của nước này bao gồm cả lập quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, được điều tiết chung bằng một luật (về quy hoạch), bảo đảm hiệu lực thực thi quy hoạch rất cao. Quy hoạch không chỉ là cơ sở cho đầu tư cơ bản như cơ sở hạ tầng, mà quản lý phát triển theo quy hoạch là nội dung chính yếu của hệ thống. Công cụ quy hoạch được đồng bộ và chuẩn hóa, cấp độ vĩ mô là các quy hoạch chiến lược tích hợp (quy hoạch vùng, tiểu vùng) còn ở cấp độ vi mô (quy hoạch địa phương) thì được thiết kế rất chi tiết. Năng lực quy hoạch ở cấp độ địa phương rất mạnh và hoàn thiện.
Cơ sở hạ tầng dữ liệu và thông tin quy hoạch online phát triển giúp triển khai mọi nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch, đặc biệt với công tác quản lý quy hoạch rất hiệu quả.
Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, soi chiếu vào nhiệm vụ quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan khu vực ngoại thành Hà Nội, có những điểm cốt yếu chúng ta cần rà soát, xem xét.
Cụ thể, công tác lập quy hoạch cần được rà soát trước tiên. Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch vùng huyện, các quy hoạch chung xây dựng các xã thì cần nhanh chóng đưa các nội dung quy hoạch lên một hệ thống thông tin địa lý GIS nhất quán của toàn TP, để từng bước số hóa công tác quy hoạch, phục vụ việc điều chỉnh và quản lý sau này.
Bên cạnh đó, cần có sự đánh giá thực tiễn ở một số huyện, xã để nhìn nhận những bất cập giữa tư duy lập quy hoạch và thực tiễn phát triển, để rút kinh nghiệm về phương pháp luận và các vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong quá trình lập quy hoạch.
Quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch cần thực hiện định kỳ. TP nên chọn ra 3 hoặc 5 địa điểm, nơi tập trung nhiều vấn đề phức tạp, nổi cộm nhưng có tính điển hình, để tiến hành lập quy hoạch một cách kỹ càng, thận trọng, bởi những tư vấn có kinh nghiệm, chuẩn hóa quy trình và phương pháp lập quy hoạch, để trở thành các đồ án mẫu trước khi nhân rộng. Các đồ án mẫu này nên áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong thu thập thông tin đầu vào, phân tích và trình diễn trên nền GIS.
Công tác thực thi quy hoạch cũng cần được rà soát, đánh giá thường xuyên. Ở Úc, mọi mảnh đất, bất kể ở đô thị hay nông thôn, đều chịu sự điều tiết của quy hoạch sử dụng đất và các quy định về kiến trúc, cảnh quan, cùng nhiều yếu tố chất lượng khác. Và các quy định này được hiển thị rõ ràng trên trang web, giúp cho mọi người dân dễ dàng hiểu được mình có thể làm gì và không thể làm gì.
“Ở các huyện Hà Nội, nhiều vấn đề kiến trúc, cảnh quan của làng xã truyền thống đang bị thách thức bởi quá trình đô thị hóa. Vì vậy, rất cần khẩn trương xây dựng quy chế quản lý kiến trúc cho các khu vực này. Nhưng, trước khi nhân rộng, cần làm chuẩn, làm mẫu, bài bản cho một vài điểm” - PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh.
Một điểm nhấn mạnh là cần đưa tư duy quản lý quy hoạch vào ngay quá trình lập quy hoạch, quy hoạch để quản lý chứ không phải để vẽ và diễn họa. Quản lý những ai? Quản lý nội dung gì? Tại sao cần quản lý? Và sẽ quản lý như thế nào?... Đó là các câu hỏi căn bản mà khi lập quy hoạch cần phải đưa ra. Như vậy, ngoài các yếu tố cơ sở hạ tầng thiết yếu như “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư chung, thì các bản quy hoạch sẽ quy định và hướng dẫn các hoạt động xây dựng của các cá nhân như thế nào, thông qua các chỉ tiêu gì là những nội dung cần được xem xét kỹ các khía cạnh thực tiễn, pháp lý và phương pháp luận tư duy.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-do-an-mau-truoc-khi-nhan-rong.html