Xây dựng đô thị xanh qua 'bài toán' quản lý rác thải

Tại các thành phố lớn, đông dân cư, quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường đã trở thành một thách thức cấp bách. Thực tế yêu cầu cần sớm hoàn thiện và thực thi các chính sách về quản lý chất thải rắn bền vững, có giải pháp đồng bộ giúp các địa phương giải quyết các bất cập đã kéo dài nhiều năm qua.

Cần sớm ban hành quy định cụ thể để đô thị không còn những hình ảnh nhếch nhác vì rác thải. (Nguồn: PV)

Cần sớm ban hành quy định cụ thể để đô thị không còn những hình ảnh nhếch nhác vì rác thải. (Nguồn: PV)

Chưa có quy định cụ thể về “đô thị xanh”

Mới đây, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng (NCĐT&PTHT) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh - Hướng đến đô thị xanh bền vững” tại Hà Nội. Theo nhận định của PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện NCĐT&PTHT, thuật ngữ “xanh” đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước, như trong Nghị quyết số 148/NĐ-CP ngày 11/11/2022, nhưng hiện vẫn chưa có một khái niệm đầy đủ và thống nhất về đô thị xanh và hạ tầng xanh trong đô thị. Trong khi đó, phát triển đô thị xanh và bền vững đang trở thành nhu cầu cấp bách tại Việt Nam. Việc nghiên cứu và ứng dụng hệ thống hạ tầng xanh cần được chú trọng, khuyến khích thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp. Theo đó, PGS.TS Lưu Đức Hải đã đề xuất 9 khái niệm xanh, bao gồm: đô thị xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, thoát nước xanh, cấp nước xanh, công viên xanh, chiếu sáng xanh, quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh.

Riêng về quản lý chất thải rắn trong đô thị, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lên 95%. Ông Phạm Văn Đức - Tổng Giám đốc URENCO nhấn mạnh rằng, quản lý chất thải rắn theo hướng hạ tầng xanh là một chiến lược mới mẻ và đầy triển vọng. Tuy nhiên, hành trình này không chỉ dừng lại ở việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, mà còn bao gồm việc quản lý phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, sử dụng trang thiết bị và công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Theo thống kê của URENCO, mỗi ngày Thủ đô có khoảng 7.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, trong đó tỷ lệ thu gom đạt 85,5%. Đáng nói, tỷ lệ này có sự chênh lệch giữa các khu vực trong thành phố, với 100% chất thải sinh hoạt tại các quận trung tâm được thu gom, trong khi tại các huyện ngoại thành tỷ lệ này là 88% đến 89%. Hiện nay, URENCO đã phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, tham mưu cho các quận, huyện xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án “Triển khai thí điểm Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn các phường lựa chọn thí điểm”. Thời gian thí điểm bắt đầu từ 1/1/2024 đến hết quý IV/2024. Từ quý I/2025 căn cứ theo chỉ đạo chính thức từ UBND Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng, triển khai đồng bộ trên địa bàn các quận.

Cần chuẩn hóa quy trình quản lý rác thải đô thị

Tại một số địa phương, nhiều sáng kiến đã được thực hiện để quản lý và xử lý chất thải rắn hiệu quả hơn. Điển hình, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ, với mục tiêu đến năm 2030, 100% chất thải rắn hữu cơ tại đô thị sẽ được tuần hoàn. Theo thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Quảng Ninh hiện nay là khoảng 1.189,1 tấn/ngày, trong đó 95,8% đã được thu gom và xử lý. Đáng chú ý, sáng kiến “Vracbank - Gửi rác, lấy tiền” và xây dựng cộng đồng quản lý rác thải nhựa, được triển khai bởi Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau hai năm triển khai, Vracbank đã thu gom được hơn 650 tấn rác và chi trả hơn 1,7 tỷ đồng cho người dân. Dự án này được kỳ vọng sẽ mở rộng ra các địa phương khác trên cả nước vào năm 2025.

Một ví dụ khác có thể kể tới thành phố Sơn La mới ban hành kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào ngày 6/7/2024. Mục tiêu là đến cuối năm 2024, trên 90% số hộ tại phường Tô Hiệu và ít nhất 50% số hộ tại các phường khác sẽ thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ công tác phân loại rác tại nguồn trên cả nước, Bộ TN&MT vừa ban hành Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024, trong đó cung cấp bộ thông tin, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác truyền thông về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, dự kiến sẽ triển khai toàn quốc trước ngày 31/12/2024. Bộ cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư Quy định về quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhằm hỗ trợ các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

Các nỗ lực này đều hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường xanh, bền vững và thân thiện cho tương lai, đặc biệt tại các đô thị nơi vấn đề rác thải ngày càng trở nên phức tạp và nhức nhối. Tuy nhiên, để hoạt động quản lý chất thải rắn bền vững đạt sự đồng bộ giữa các địa phương, điều quan trọng là cần có các quy định pháp lý cụ thể, nhằm định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện nhất quán trên toàn quốc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sẽ là yếu tố then chốt để bảo đảm rằng các chính sách và sáng kiến về quản lý chất thải được triển khai hiệu quả và mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và môi trường.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-do-thi-xanh-qua-bai-toan-quan-ly-rac-thai-post522140.html