Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp: Đủ phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ

Trong thời gian qua, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tại Bình Thuận luôn xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh nhà. Thông qua thực tế tình hình các cơ quan, đơn vị, địa phương, Tỉnh ủy luôn kịp thời lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh trao quyết định của Ban Bí thư chuẩn y chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy cho đồng chí Đặng Hồng Sỹ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh trao quyết định của Ban Bí thư chuẩn y chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy cho đồng chí Đặng Hồng Sỹ.

Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tốt

Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Tỉnh ủy cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, bảo đảm đúng tiến độ và lộ trình; phát huy tính chủ động của từng tổ chức, địa phương, đơn vị và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức Đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng bằng các hình thức phù hợp, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện nghị quyết; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tổng thể chung trong phạm vi toàn tỉnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh luôn giữ vững phẩm chất chính trị; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ. Đa số cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã bám sát và thực hiện tốt kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; kết quả, hơn 95% cán bộ, đảng viên viết bản cam kết phấn đấu, rèn luyện hàng năm; 100% cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình và kế hoạch hành động thực hiện. Kỷ luật, kỷ cương, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ từng bước được nâng lên. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành của tỉnh đã có chuyển biến khá tích cực về số lượng, nâng dần chất lượng; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động thực tiễn không ngừng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; cán bộ giữ vững được quan điểm, lập trường cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất, đạo đức tốt; lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, gần gũi với nhân dân… Tuy nhiên, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ chưa thường xuyên; tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao từ đó dẫn đến tình trạng có cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật và kỷ luật; tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình chưa nghiêm túc; còn biểu hiện bảo thủ, chủ quan, trì trệ, chấp hành không nghiêm nghị quyết, chủ trương và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cá biệt, vẫn còn cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ đã nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân, ý thức chấp hành chưa nghiêm, làm việc thụ động, cầm chừng; có biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và năng động, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung còn thấp. Việc xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhân tài, tạo môi trường để cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung còn khó khăn…

Đảng ta khẳng định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng… Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.

Để thực hiện tốt hơn

Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Cấp ủy các cấp phải kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Tăng cường, đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, đạo đức, trình độ, trí tuệ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thực sự tiêu biểu, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt; đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết; giữ gìn đoàn kết, tập hợp sức mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, có tầm nhìn, tư duy chiến lược. Tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và Nhà nước; ngăn ngừa suy thoái, biến chất và loại bỏ những phần tử cơ hội, tham nhũng ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.

Tăng cường quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đẩy lùi chạy chức, chạy quyền. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất; chú trọng việc nêu gương của người đứng đầu; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp là nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với cán bộ theo quy định; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế của tỉnh nhằm khuyến khích, động viên, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xay-dung-doi-ngu-can-bo-cac-cap-du-pham-chat-dap-ung-duoc-yeu-cau-nhiem-vu-123109.html