Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
ĐBP - Công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh ta ngày càng được thực hiện chặt chẽ với quy trình các bước, quy định cụ thể, gắn với tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị Đảng, Nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được chú trọng, đặc biệt đối với đối tượng là nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi. Đào tạo, bồi dưỡng đã gắn với chức danh vị trí việc làm, nhu cầu, yêu cầu nhiệm vụ và công tác quy hoạch cán bộ tại địa phương.
Được chuẩn hóa về trình độ, cán bộ cấp xã trong tỉnh đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong ảnh: Người dân tới giao dịch tại một phận “Một cửa” xã Búng Lao (huyện Mường Ảng).
Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo để thực hiện thống nhất về phân cấp quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, đảng viên; việc thực hiện những điều đảng viên không được làm, công tác nêu gương của người đứng đầu, như: Quyết định 1250-QĐ/TU, ngày 23/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quyết định 1251-QĐ/TU, ngày 23/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý cán bộ… Trong triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ, việc thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được cấp ủy, chính quyền các địa phương được giám sát thực hiện tốt, trong năm 2020 không có cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối với việc thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2014 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, cấp ủy các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện đến cấp ủy, chi bộ trực thuộc”; tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định, quy chế của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ.
Công tác tuyển dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện theo đúng quy định. Năm 2020, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng 258 công chức, viên chức; 14 hợp đồng lao động. Việc tuyển dụng công chức, viên chức đã được thực hiện đảm bảo về quy trình tuyển dụng theo các văn bản của Chính phủ. UBND cấp huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; chú trọng đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng chức danh, vị trí việc làm. Việc chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của tỉnh về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn. Bên cạnh đó, trên cơ sở quy định của UBND tỉnh, các huyện đã xây dựng quy chế đào tạo, bồi dưỡng riêng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng gắn chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm, đặc biệt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý phải có thông báo bằng văn bản trước khi đi đào tạo, bồi dưỡng.
Qua giám sát việc thực hiện các quy định đối với công tác cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong tháng 8, ông Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Công tác bổ nhiệm cán bộ tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua cơ bản được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Người được bổ nhiệm đáp ứng về điều kiện và tiêu chuẩn. Quá trình xem xét bổ nhiệm đều gắn với nhu cầu, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức, chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn đối với chức danh, phẩm chất, năng lực và kết quả đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức. Công tác định kỳ chuyển đổi vị trí việc làm theo Nghị định 59/2012/NĐ-CP, ngày 1/11/2019 của Chính phủ đã được UBND cấp huyện triển khai, xây dựng kế hoạch cụ thể, tuy nhiên chỉ có 5 đơn vị bước đầu thực hiện (TX. Mường Lay, huyện Nậm Pồ, TP. Điện Biên Phủ, huyện Mường Ảng và huyện Điện Biên Đông) kết hợp giữa luân chuyển, điều động cán bộ, công chức với quy định, các đơn vị còn lại chưa thực hiện. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn có hạn chế, như: Chưa xây dựng quy chế phân cấp quản lý cán bộ và quy chế bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với nhân sự tại chỗ theo quyết định của Tỉnh ủy; công tác bổ nhiệm một số trường hợp cụ thể còn chưa đảm bảo về thời gian, điều kiện, tiêu chuẩn. Ban Thường vụ cấp ủy một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong công tác chỉ đạo triển khai, nhất là việc chỉ đạo để cụ thể hóa các quy định của Đảng về công tác cán bộ (xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn, quy định cụ thể...). Công tác chuyển đổi vị trí việc làm tuy đã được hướng dẫn cụ thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2015 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhưng chưa có danh mục cụ thể của các bộ, ngành Trung ương quy định cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Do đó việc thực hiện chuyển đổi, đặc biệt là chuyển đổi công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo gặp nhiều vướng mắc về đối tượng, nội dung, thời gian chuyển đổi, nhất là chuyển đổi giữa các đơn vị cấp phòng, cấp xã trên địa bàn.