Xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2021 bám sát dự báo khả năng phục hồi kinh tế

Đó là một trong những nội dung được nêu tại Thông tư số 71/2020/TT-BTC ngày 30/7/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm 2021-2023.

Dự toán thu nội địa năm 2021 phấn đấu tăng 9 - 11% so với năm 2020. Nguồn: internet

Dự toán thu nội địa năm 2021 phấn đấu tăng 9 - 11% so với năm 2020. Nguồn: internet

Dự toán thu nội địa tăng tối thiểu 9-11%

Theo Thông tư số 71/2020/TT-BTC, năm 2021, phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh (đã dự kiến các tác động điều chính sách thu theo các chủ trương hiện hành) bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 9-11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020 (các địa phương dự báo kinh tế phục hồi và tăng nhanh năng lực sản xuất kinh doanh, dịch chuyển cơ cấu kinh tế tích cực sẽ phấn đấu tăng thu NSNN ở mức cao hơn).

Các địa phương xây dựng dự toán thu nội địa năm 2021 ngoài việc phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn (bao gồm cả số thu ngân sách ở xã, phường, thị trấn, các khoản thu thuế nhà thầu nước ngoài, nhà thầu trong nước khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, các khoản thuế từ các dự án mới được đưa vào sản xuất kinh doanh).

Năm 2021, phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh (đã dự kiến các tác động điều chính sách thu theo các chủ trương hiện hành) bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 9-11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.

Đồng thời, loại trừ các khoản theo quy định không thuộc nguồn thu cân đối NSNN trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2019, những đặc thù của năm 2020 và đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016-2020; dự báo tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm 2021 và số kiểm tra dự toán thu năm 2021 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.

Việc xây dựng dự toán thu phải gắn với việc tăng cường quản lý thu, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, giám sát hoàn thuế GTGT, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các nguồn thu từ đôn đốc thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, Thanh tra Chính phủ.

Dự toán thu từ xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4-6%

Cùng với thu nội địa, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020. Theo đó, việc xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu căn cứ vào dự báo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; sự chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh.

Đồng thời, xét đến các yếu tố tác động như: dự kiến biến động giá trong nước và giá trên thị trường quốc tế của những mặt hàng có nguồn thu lợn; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2021; mức độ thuận lợi hóa thương mại và ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật; quy mô, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trọng điểm có nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị; kế hoạch sản xuất của các nhà máy lọc dầu trong nước...

Thông tư số 71/2020/TT-BTC nêu rõ, dự toán thu NSNN phải được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Việc xây dựng dự toán thu năm 2021 phải bám sát dự báo khả năng phục hồi kinh tế và đón các dòng đầu tư mới (trong và ngoài nước); tính toán kỹ các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi cơ chế, chính sách và thay đổi bất thường do tác động của đại dịch Covid-19; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại EVFTA; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Ngọc Ánh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/xay-dung-du-toan-thu-ngan-sach-nam-2021-bam-sat-du-bao-kha-nang-phuc-hoi-kinh-te-326493.html