Xây dựng gia đình trong tình hình mới
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 150 vụ BLGĐ (giảm 75 vụ so với năm 2020), trong đó, 56 vụ bạo lực tinh thần, 94 vụ bạo lực thân thể. Nạn nhân các vụ BLGĐ chủ yếu là nữ giới, người già và trẻ em. Trong số các vụ BLGĐ có 18 vụ xử lý hành chính, 4 vụ xử lý hình sự.
Một số vụ BLGĐ mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vụ chồng đánh vợ tử vong ở thôn Trung Nguyên, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc ngày 7/2/2021; chồng chém vợ tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương ngày 21/7/2021; chồng chém vợ tử vong tại phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên ngày 20/10/2021.
Đồng chí Quảng Đức Hạnh, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ BLGĐ như do bất bình đẳng giới; khó khăn về kinh tế, tạo ra áp lực căng thẳng, bế tắc giữa các thành viên trong gia đình, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Bên cạnh đó, một số vụ bạo lực còn do người chồng nghiện rượu, cờ bạc, nghiện ma túy, ngoại tình, ghen tuông…
Nhiều người vẫn coi BLGĐ là vấn đề riêng của mỗi gia đình và người ngoài không nên can thiệp. Do vậy, tình hình BLGĐ ngày càng diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức. Hậu quả của các vụ BLGĐ gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và làm những người bị bạo hành phải mang thương tích, có thể bị khuyết tật suốt đời, rối loạn tâm thần, sang chấn tâm lý, trầm cảm, thậm chí có thể gây tử vong.
Để xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tư duy của mỗi cá nhân, từ đó có những ứng xử, hành động đúng đắn hơn.
Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 350 mô hình CLB gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống BLGĐ, 876 địa chỉ tin cậy, 450 đường dây nóng nhằm can thiệp hỗ trợ nạn nhân khi bị BLGĐ.
Sở GDĐT chỉ đạo 100% trường phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX kiện toàn tổ tư vấn tâm lý hỗ trợ học sinh. Sở Tư pháp tích cực chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tổ hòa giải ở cơ sở.
Năm 2021 các tổ hòa giải đã thực hiện hòa giải 1.370 vụ việc, hòa giải thành công 1.150 vụ việc, đạt hơn 80%, trong đó có các vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở duy trì hoạt động của 25 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, chỉ đạo thành lập mới 6 CLB “Gia đình có sức khỏe, không khói thuốc” tại 2 huyện Sông Lô và Bình Xuyên, với 264 hội viên phụ nữ tham gia.
Đồng chí Trần Thúy Anh, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội - Kinh tế (Hội LHPN tỉnh) cho biết: "Để ngăn chặn kịp thời, hạn chế các vụ BLGĐ xảy ra, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng các mô hình “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Qua đó, giúp hội viên phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong xây dựng gia đình phát triển, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần làm giảm tình trạng bạo lực trong mỗi gia đình".
Từ các mô hình can thiệp đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của từng thành viên trong gia đình; thực hiện tốt Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, các kỹ năng ứng xử trong gia đình, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh; góp phần đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2021 toàn tỉnh có hơn 295.000 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm gần 92%, tăng 1,64% so với năm 2020.
Nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, ngày 30/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2238 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu của chiến lược là xây dựng gia đình Việt Nam, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người, là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới; hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình.
Tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình gia đình kiểu mẫu “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nâng cao khả năng tự ứng phó của gia đình… nhằm hạn chế, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội...
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72588/xay-dung-gia-dinh-trong-tinh-hinh-moi.html