Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, chiều 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 28/5.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 28/5.

Tán thành các chính sách phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời hoàn thiện các biện pháp đặc thù để khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò.

 Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Cụ thể, đại biểu Lý Thị Lan tán thành với các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho UBND Thành phố Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô. Đại biểu cũng đồng tình cao với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao, các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao.

Cùng với đó, đại biểu cũng đồng tình cao với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 giúp cho khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thể để phát triển. Trong đó, nổi bật là hai nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của thành phố hỗ trợ khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê; cho phép nhà đầu tư sản xuất sản phẩm trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; quy định đặc thù về xác nhận tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập trong khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Đồng thời, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, Luật Thủ đô cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Xây dựng Hà Nội là trung tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao

Quan tâm tới việc phát triển giáo dục tại Thủ đô Hà Nội, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật cho phép chính quyền Thành phố Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội.

 Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, quy tụ nguồn nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã giao Thủ đô Hà Nội phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Đại biểu cho rằng, cần coi trọng việc cho phép Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao, coi đây là trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước.

Để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội bày tỏ đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là những điều, khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước.

 Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn trong phát triển văn hóa không chỉ đúng đối với văn hóa của Thủ đô mà còn đúng với văn hóa của cả nước. Chính vì vậy, đại biểu mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội.

Đại biểu dẫn chứng, cụ thể như Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Thành phố Hà Nội hay Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng quy định cho các cơ quan, tổ chức của thành phố Hà Nội, trong đó có các hạ tầng về văn hóa, thể thao được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.

“Tôi mong rằng, phạm vi áp dụng của những chính sách này sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương ở Hà Nội để giải quyết những vấn đề bức xúc ở các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay như tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế văn hóa, thể thao khác… Khi những chính sách này thực sự có ý nghĩa, có thể giải quyết khó khăn cho các thiết chế văn hóa, thể thao này thì chúng ta không nên chờ đợi lâu hơn nữa” - đại biểu Bùi Hoài Sơn phân tích.

Cần làm rõ hơn quy định về áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Quan tâm đến vấn đề áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chỉ ra rằng, dự thảo luật bổ sung thêm khoản 2 Điều 4: Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Phân tích quy định trên, đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo luật chưa đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là “cần thiết” cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị làm rõ tính hợp hiến của việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng Luật, Nghị quyết của Quốc hội vì việc này không phải là giải thích luật hay giải thích nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp 2013 về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, về liên kết phát triển vùng, dự thảo Luật có giải thích vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm Thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định. Dự thảo cũng dành Chương 5 từ Điều 44 đến Điều 47 quy định mối quan hệ của Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng. Đại biểu cho rằng, mỗi vùng đều có nội dung và cơ chế liên kết với Thủ đô khác nhau. Do đó, cần rà soát để quy định kỹ hơn, phát huy hiệu quả liên kết vùng tốt nhất…

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/xay-dung-ha-noi-thuc-su-la-trung-tam-tieu-bieu-cua-ca-nuoc-ve-giao-duc-dao-tao-chat-luong-cao-158601.html