Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước

PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, mong muốn Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước là có cơ sở. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Hùng

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Hùng

Những chính sách ưu đãi vượt trội cho Hà Nội

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV cho biết, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ dành riêng Điều 21 trong dự thảo Luật cho lĩnh vực văn hóa thể thao. Không chỉ Điều 21, chúng ta còn thấy ở trong Điều 39, 41, 43 có những ưu đãi về văn hóa thể thao. Điều này thể hiện Hà Nội quan tâm đến nhiều hơn các vấn đề văn hóa và mong muốn cụ thể hóa các điều khoản văn hóa, trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển văn hóa trong thực tiễn.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, chúng ta biết rằng, luật không thể quá chi tiết vì một số vấn đề trong cuộc sống sẽ biến đổi nhanh chóng. Trong xây dựng pháp luật, chúng ta cố gắng những vấn đề nào đã "chín", đã "rõ", được kiểm nghiệm trong thực tiễn cuộc sống rồi thì sẵn sàng đưa vào Luật. "Phần cứng" trong Luật khá rõ ràng, nhưng sự sinh động trong cuộc sống, những vấn đề hay biến đổi phải được quy định ở các văn bản dưới Luật, như nghị định, thông tư. Vì sau này khi có vấn đề cần sửa đổi, chúng ta có thể thay đổi ngay được mà không cần chờ thay đổi Luật, vì thay đổi Luật là một cơ chế rất phức tạp, mất nhiều thời gian.

"Chúng ta cố ý dành ra những khoảng nhất định để cho văn bản dưới Luật điều chỉnh. Bởi có một thực tế, khi triển khai Luật, nhiều khi những văn bản hướng dẫn lại "trói" Luật. Chúng ta mong rằng vấn đề này không xảy ra ở Hà Nội, khi mà Quốc hội đã cố gắng tạo ra sự phân cấp, phân quyền, những chính sách ưu đãi vượt trội cho Hà Nội. Khi triển khai chúng ta phải cụ thể hóa tinh thần đó, nếu không sẽ lãng phí tâm huyết, mong muốn của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về Luật Thủ đô"- PGS. TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Luật Thủ đô bao quát nhiều vấn đề, riêng với lĩnh vực văn hóa, nhiều vấn đề cũng cần cụ thể hóa ngay. Ví dụ như trong đối tác công- tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có nhiều quy định cụ thể về văn hóa, nhưng không phù hợp. Ví dụ chúng ta biết rằng nhiều dự án đầu tư về văn hóa không cần đến 100 tỷ đồng. Hay như thời hạn không cần kéo dài như quy định trong luật đối tác công tư. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội. Nếu Hà Nội "bê nguyên" tinh thần Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là 100 tỷ đồng trong lĩnh vực văn hóa sẽ gây cản trở quá trình thực hiện.

Người dân lên phố đi bộ đi dạo. Ảnh: Khánh Huy

Người dân lên phố đi bộ đi dạo. Ảnh: Khánh Huy

Tháo gỡ các quy định pháp luật

Chia sẻ về Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, mong muốn này là có cơ sở. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Chính vì thế, chúng ta mong muốn cụ thể hóa nội dung này vào trong Luật Thủ đô. Tuy nhiên, có khá nhiều vướng mắc...

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn chúng ta sẽ tháo gỡ các quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm. Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm, Nhà nước đóng vai trò điều tiết thôi, ví dụ như chính sách đối với nghệ nhân mà tư nhân không tham gia, thì Nhà nước cần phải điều tiết.

Hay trong lĩnh vực điện ảnh, có các loại phim về thị trường, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã vào cuộc, thì những phim tuyên truyền về kỷ niệm, Nhà nước phải đứng ra làm để tạo ra sự đa dạng, cân bằng cho điện ảnh. Từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật đó, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân, chúng ta mới tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa - đó là những cái chúng ta cần phải giải quyết.

Như vậy, phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, Nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xay-dung-ha-noi-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-van-hoa-ca-nuoc-381682.html