Xây dựng hầm chui Cổ Linh: Gỡ nút thắt phía Đông cho Vành đai 2
Hà Nội đang lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy (hầm chui Cổ Linh), nhằm giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông cho khu vực phía Đông, Đông Bắc Vành đai 2. Dự án có thể triển khai nhanh do không phải giải phóng mặt bằng.
Nguy cơ ùn tắc vẫn hiển hiện
Sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, Vành đai 2 đã gần như thông suốt, mở ra trục giao thông trọng yếu từ Tây Bắc sang phía Đông và Đông Bắc Thủ đô.
Tuy nhiên, đến nay tuyến vành đai này vẫn còn hai điểm nghẽn phức tạp là: nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy, và đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Để sớm giải quyết hai điểm nghẽn này, khép kín đồng thời tối ưu năng lực cho toàn tuyến Vành đai 2, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thi công cho từng vị trí.
Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Đỗ Đình Phan cho hay, nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy có vị trí trọng yếu, là điểm trung chuyển lưu lượng giao thông lớn từ Vành đai 2 đi nhiều tuyến liên tỉnh cũng như một số khu vực nội đô đông đúc.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành nói: “Lưu lượng từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đổ về nút giao Cổ Linh là rất lớn, biến đây thành một trong những nút giao thông trọng điểm có nguy cơ ùn tắc. Do đó Sở GTVT đã báo cáo UBND TP về việc cấp thiết phải chuẩn bị đầu tư hầm chui nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của cầu Vĩnh Tuy 2”.
Không chỉ có vai trò quan trọng trên tuyến Vành đai 2, nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy còn là điểm trung chuyển lưu lượng giao thông kết nối với các tuyến vành đai khác của Hà Nội như: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai 3… Vì vậy nếu lưu thông trên Vành đai 2 thuận lợi thì đây sẽ là một hướng để giải tỏa áp lực giao thông cho Vành đai 3 - nơi tập trung lưu lượng giao thông chính của cả Thủ đô.
Theo dự báo của Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI), đến năm 2050, số lượng phương tiện lưu thông theo hướng QL5 cũ về cầu Vĩnh Tuy sẽ lên tới 50.232 phương tiện/ngày đêm. Theo chiều ngược lại sẽ có 45.175 phương tiện/ngày đêm. Lưu lượng qua nút giao Cổ Linh được dự báo tiếp tục tăng cao theo thời gian. Hà Nội cần tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại ngã tư Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy, và phương án tối ưu nhất là xây dựng hầm chui trực thông trên đường Đàm Quang Trung, mở hướng lưu thông khác qua nút.
Thực tế đó cho thấy, việc xây dựng hầm chui để giải tỏa ùn tắc tại nút giao Cổ Linh; mở ra không gian lưu thông cho cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô là vô cùng quan trọng và cấp bách. Ông Phan Trường Thành cho biết thêm, Tư vấn TEDI đã đưa ra ba phương án thiết kế hầm chui Cổ Linh, trong đó phương án xây dựng hầm trực thông trên hướng đường Đàm Quang Trung là khả thi hơn cả.
Đồng bộ năng lực toàn tuyến
Ba phương án thiết kế hầm chui Cổ Linh được TEDI trình lên gồm: hầm chui trực thông trên đường Đàm Quang Trung; hầm chui trực thông theo hướng Đàm Quang Trung kết hợp cầu chữ C cho hướng rẽ trái Cổ Linh - Vĩnh Tuy; hầm chữ Y.
Đại diện TEDI chia sẻ, phương án làm hầm chui trực thông trên đường Đàm Quang Trung là ưu việt nhất. Với phương án này, sẽ tách được 2 luồng giao thông từ cầu Vĩnh Tuy đi Đàm Quang Trung, và Cổ Linh đi Thạch Bàn, trực tiếp giải quyết xung đột giao thông tại nút.
Bên cạnh đó việc xây dựng hầm chui Cổ Linh sẽ khá thuận lợi khi không phải giải phóng mặt bằng, có thể rút ngắn thời gian thi công; đồng thời tiết kiệm chi phí đáng kể.
Nếu tích hợp hầm chữ C hay lựa chọn theo phương án xây cầu chữ Y thì chỉ tính riêng giải phóng mặt bằng đã là một thách thức không nhỏ. Hơn nữa thời gian xây dựng sẽ có thể kéo dài, ảnh hưởng lớn đến lưu thông trong khu vực, gây khó khăn cho người dân.
Ông Phan Trường Thành nhận định, việc thi công xây dựng hầm chui Cổ Linh sẽ không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Do đó, để đảm bảo lưu thông cho người dân cần có biện pháp tổ chức giao thông phù hợp, giảm thiểu ùn tắc.
Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Tư vấn TEDI lên phương án tổ chức giao thông, phân luồng hướng dẫn phương tiện di chuyển tránh khu vực thi công từ xa, kết hợp điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu. Phương án sẽ được thẩm định đồng thời với thiết kế dự án xây dựng hầm chui.
“Nhà đầu tư và các bên liên quan cần đảm bảo tiến độ thi công, chuẩn bị trước với những tình huống có thể xảy ra, tránh kéo dài dự án gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân” - ông Phan Trường Thành nói.
Sau khi hầm chui được hoàn thành, nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy sẽ có ba tầng lưu thông bao gồm cầu vượt, đi bằng và hầm chui, giảm thiểu ùn tắc, đồng bộ năng lực toàn tuyến Vành đai 2.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Vành đai 2 là tuyến giao thông lớn xuyên tâm của Hà Nội, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc cho khu vực nội đô TP; đồng thời phân bổ bớt áp lực trên Vành đai 3. Tuy nhiên không chỉ nút giao Cổ Linh chưa được xây dựng mà còn một nút thắt quan trọng khác rất cần giải quyết sớm là đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.
Đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy hiện là một trong những khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nặng nề nhất của Hà Nội. Đây cũng là nút thắt hạn chế đáng kể năng lực của Vành đai 2. Vì vậy, Hà Nội cần gấp rút đầu tư xây dựng đoạn tuyến nêu trên, tháo gỡ nút thắt cho toàn tuyến, tối ưu hiệu quả đầu tư.
Từ giờ cho tới khi Vành đai 2 được khép kín, chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông tại hai nút giao: Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy sẽ còn gây ra nhiều khó khăn cho người dân.
Trước mắt để giải quyết ùn tắc tại nút Ngã Tư Sở, Sở GTVT đã tính đến phương án xây dựng trước nhánh chuyển tiếp, kết nối từ hệ thống đường Vành đai 2 trên cao rẽ trái về phía Hà Đông. Theo tính toán, lưu lượng trên hướng lưu thông này chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu di chuyển qua nút Ngã Tư Sở.