Xây dựng hành lang kinh tế Việt - Trung phồn vinh, phát triển bền vững
Chiều 13/11, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10, đã bế mạc.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa các địa phương
Hội nghị là sự kiện đối ngoại lớn của thành phố trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tích cực triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong năm 2023. Sự kiện do UBND TP. Hà Nội đăng cai tổ chức trong hai ngày (13-14/11/2023).
Trình bày Báo cáo kết quả phiêm thảo luận chuyên đề, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ X hôm nay đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề với các chủ đề chính là: Đầu tư - thương mại; Văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục; Giao thông vận tải, Logistics nhằm mục đích tạo cơ hội cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra định hướng, phương thức hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực liên quan.
Theo ông Lê Anh Quân, tại 3 phiên chuyên đề, các đại biểu đã cùng đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian vừa qua; về những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để trao đổi, làm rõ và thống nhất nhận thức chung, định hướng, kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm. Trên cơ sở hướng tới quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế và quốc gia, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, tạo sự liên kết giữa các địa phương trên tuyến hành lang.
Thứ nhất, về lĩnh vực đầu tư - thương mại, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kết quả triển khai các hoạt động thu hút và thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng, tạo tiền đề cho việc triển khai hoạt động hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế trong nhiều lĩnh vực liên quan khác như thương mại, du lịch...;
Chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết thương mại và phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử... nhằm thúc đẩy kết nối thương mại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương trong hành lang kinh tế với nhau và với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Thứ hai, về lĩnh vực văn hóa, các đại biểu đã thống nhất tăng cường hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; thảo luận về những vấn đề đặt ra trong hợp tác văn hóa và phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng thành phố sáng tạo...
Đối với lĩnh vực du lịch, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên để xây dựng các tour du lịch trên tuyến hành lang; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành về cơ chế, chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh để tạo điều kiện thu hút khách du lịch giữa hai nước; chủ động xây dựng các chương trình khảo sát, xúc tiến, quảng bá điểm đến...
Về hợp tác y tế, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết tăng cường hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ y tế công, xây dựng chính sách, chiến lược, các giải pháp điều hành, điều tiết hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân;
Phối hợp xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa các bệnh viện lớn, uy tín ở thành phố Hà Nội với các bệnh viện địa phương trong hành lang kinh tế Việt - Trung; đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch; triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch, sản phụ khoa và ung bướu;
Thúc đẩy và hỗ trợ các chương trình trao đổi nhân lực với các Bệnh viện y học cổ truyền tại các tỉnh thành lân cận, tại Vân Nam - Trung Quốc và có thể mở rộng tại các bệnh viện y học cổ truyền của Trung Quốc thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyển giao các kỹ thuật, các mô hình điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
Thứ ba, về lĩnh vực giao thông vận tải - logistics, các đại biểu đã thống nhất về sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải gắn với phát triển dịch vụ logistics; cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hợp tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong hành lang kinh tế và qua biên giới, gắn liền với phát triển hạ tầng logistics; định hướng phát triển dịch vụ logistics hướng đến liên kết vùng;
Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Hội nghị lần thứ 11 năm 2025 do tỉnh Vân Nam đăng cai tổ chức
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, sau một ngày làm việc tích cực, nghiêm túc và đầy trách nhiệm của Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố, Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh - Việt Nam và Vân Nam - Trung Quốc đã thành công tốt đẹp.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, đồng thời khẳng định kết quả đạt được trong thời gian qua đã chứng minh sức sống của cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế; góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phồn vinh của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, Hội nghị đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Đồng thời đề xuất một số giải pháp, biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác trong thời gian tới, trong đó thống nhất ưu tiên một số lĩnh vực như đầu tư và trao đổi thương mại; hợp tác phát triển du lịch; giao thông vận tải; giáo dục, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển nông nghiệp;
Khuyến khích các địa phương tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức hợp tác, tìm kiếm kênh trao đổi thông tin phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp giao lưu, kết nối, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các điều ước quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hội nghị lần này đã thống nhất việc duy trì gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa các địa phương, đồng thời quyết định Hội nghị lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại tỉnh Vân Nam vào năm 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam Lưu Hiểu Khải nhấn mạnh, Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đem tới lợi ích đáng kể cho Nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, qua đó tiếp tục đóng góp vào thúc đẩy quan hệ hữu nghị, kết nối phát triển, đi sâu hợp tác giữa hai nước.
Trong khuôn khổ lễ bế mạc, đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc ký kết văn kiện này đã thể hiện mong muốn và quyết tâm của các địa phương trong việc xây dựng một Hành lang kinh tế phồn vinh, phát triển bền vững. Ông cũng bày tỏ tin tưởng, với khát vọng và quyết tâm của các địa phương; cùng sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương của hai nước, nhất định một hành lang kinh tế phồn vinh sẽ sớm trở thành hiện thực.