Xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ về các hoạt động xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số; nâng cao hiệu quả kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhằm xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Xin ông cho biết rõ hơn về các hoạt động này?
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, thực hiện theo Quyết định 1968 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai rất nhiều những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại với mục tiêu tập trung xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, chúng tôi triển khai xây dựng những nền tảng số tương ứng đối với hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác với sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, ví dụ như sàn thương mại điện tử Alibaba, Amazon, Tiki, Shopee, Lazada và Voso để xây dựng những gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới, thúc đẩy giao dịch hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi triển khai rất nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tại các địa phương. Từ năm 2021 tới nay, chúng tôi đã triển khai được gần 40 khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng về kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là kỹ năng bán hàng.
Cục Xúc tiến thương mại cũng đang triển khai phối hợp chặt chẽ với sàn thương mại điện tử Alibaba xây dựng và phát triển Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion. Mục đích để có thể giới thiệu, quảng bá những sản phẩm của Việt Nam tới những khách hàng quốc tế cũng như thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm Việt Nam tới toàn thế giới.
Theo đó, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên Alibaba là nơi tập hợp của 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp thúc đẩy những thương hiệu Việt Nam thông qua thị trường quốc tế, thúc đẩy giao thương giữa nhà mua hàng quốc tế và nhà bán hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, thông qua Gian hàng quốc gia Việt Nam tại Alibaba.com chúng tôi cũng giúp nâng cao những nhận thức về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới khách hàng quốc tế.
Trong quá trình triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các kênh thương mại điện tử, theo ông đâu là những điểm hạn chế của doanh nghiệp khiến hoạt động này chưa mang lại hiệu quả?
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, như những quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu, nhất là mỗi một thị trường đều có những quy định, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm riêng; năng lực xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, có một số những doanh nghiệp chưa nắm được những thông tin về thị trường, nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng đối với những thị trường mục tiêu dẫn đến những khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, về chi phí tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, ngoài những chi phí liên quan đến việc phân phối, sản xuất hàng hóa thì doanh nghiệp còn phải gánh thêm những chi phí liên quan marketing, chi phí lưu kho hàng, chi phí vận tải… Đối với những doanh nghiệp lớn, khi họ đã có những kinh nghiệm tham gia vào các sàn thương mại điện tử lâu năm sẽ tối ưu hóa những chi phí này. Nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ, mới tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới cần phải có những đơn vị tư vấn hỗ trợ để tối ưu hóa những chi phí này.
Cuối cùng, đó là khó khăn chung đối với rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến hoạt động logistics. Doanh nghiệp cần phải nắm rõ được những quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, những phương án bảo quản hàng hóa hiệu quả, tính toán được những phương án logistics để có được giá cả cạnh tranh so với những doanh nghiệp có cùng những sản phẩm đó.
Thời gian tới, trọng tâm của công tác xúc tiến thương mại thông qua kênh thương mại điện tử sẽ được Cục Xúc tiến thương mại định hướng ra sao, thưa ông?
Thứ nhất, chúng tôi sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hoàn thiện những nền tảng số tương ứng đối với những hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để có thể kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và những hộ kinh doanh kinh doanh hiệu quả trên môi trường số.
Thứ hai, đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tìm kiếm những sàn thương mại điện tử lớn hơn, phù hợp hơn, cũng như có nhiều xu hướng hơn để có thể hỗ trợ kịp thời đối với những doanh nghiệp đang có ý định kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Chúng tôi cũng hướng tới việc xây dựng những gian hàng chung, những gian hàng quốc gia Việt Nam tại các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới để có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh sản phẩm của họ tới những khách hàng quốc tế hiện nay.
Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại các địa phương trên toàn quốc để họ có thể hiểu rõ hơn về cách thức để có thể kinh doanh trên môi trường số, những phương thức chuyển đổi số trong hoạt động mà xúc tiến thương mại, những kỹ năng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.