Xây dựng hệ thống chỉ báo cho Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023
Đó là mục tiêu của Hội thảo khoa học 'Tiếp cận, lý thuyết, phương pháp và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới' do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức ngày 9/6 tại Hà Nội.
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo do TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Ban Chủ nhiệm đề tài chủ trì. Đây là hoạt động khoa học trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp Quốc gia "Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững" do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ, PGS.TS Trần Thị Minh Thi là Chủ nhiệm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên, nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả mọi lĩnh vực của Việt Nam. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết về bình đẳng giới, thực hiện hàng loạt chính sách cả vĩ mô và vi mô nhằm tăng cường bình đẳng giới.
Ông Thanh khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam vừa ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, việc có một điều tra, nghiên cứu tổng thể về các lĩnh vực của bình đẳng giới làm cơ sở dữ liệu đầu vào cho việc theo dõi, giám sát các chỉ tiêu và thống kê về bình đẳng giới trong giai đoạn 10 năm là rất có ý nghĩa và cần thiết. Nó giúp chúng ta nhận diện thực trạng bình đẳng giới một cách sâu rộng để có giải pháp hiệu quả đạt được các mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030 trong mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được Liên hợp quốc thông qua cũng như đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) với 8 mục liên quan đến bình đẳng giới.
Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho biết, Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023 dự kiến xây dựng 7 hệ thống chỉ báo về bình đẳng giới. Bao gồm hệ thống chỉ báo về bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo quản lý; trong giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; tron kinh tế, lao động, việc làm; trong chăm sóc sức khỏe; trong gia đình; trong phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; và trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường. Điều tra dự kiến có tổng 140 chỉ báo, khảo sát thông tin khoảng 9.000 người từ 18 tuổi trở lên tại 48 xã, phường của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mong muốn của Ban Chủ nhiệm đề tài là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới xây dựng hệ thống thông tin cơ bản, toàn diện về bình đẳng giới nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững của Việt Nam; đánh giá toàn diện, tổng thể về thực trạng bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Các tham luận cũng như phát biểu trực tiếp của các đại biểu tại Hội thảo xoay quanh những ý kiến đề xuất Ban Chủ nhiệm đề tài xem xét vấn đề giới trong an sinh xã hội, mở rộng thêm các lĩnh vực trong Điều tra như thể thao, bảo hiểm, giảm nghèo, mở rộng đối tượng như nhóm người khuyết tật, bản đồ hóa cho bình đẳng giới ở Việt Nam, cách truyền thông, tuyên truyền để tăng nhận thức về giới cho mọi người, làm sao để khi xây dựng luật và pháp lệnh đều xem xét trên cơ sở bình đẳng giới lựa chọn địa điểm khảo sát điển hình hơn…
Các đại biểu đều khẳng định, đây là một đề tài cần thiết, có ý nghĩa, chờ đón kết quả của đề tài vào năm 2025 là những cơ sở khoa học và thực tiễn phác họa bức tranh tổng thể về bình đẳng giới, phục vụ cho việc sửa đổi luật bình đẳng giới.