Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo đột phá trong phát triển
Việc huy động các nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại tiếp tục được Đồng Nai xác định là lĩnh vực đột phá tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới.
* Hạ tầng “tiếp sức” phát triển
Cuối tháng 4-2017, cầu An Hảo bắt qua sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) nối liền P.Hiệp Hòa với P.An Bình được khánh thành đưa vào sử dụng. Đây là dự án hạ tầng quan trọng kết nối quốc lộ 51, quốc lộ 1 với nội ô TP.Biên Hòa và quốc lộ 1K.
Cầu An Hảo là hạng mục bổ sung thuộc dự án “xây dựng cầu Ðồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu” do Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) làm chủ đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, cầu An Hảo đã giúp giảm tải một lượng lớn các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa như Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi. Đồng thời, rút ngắn thời gian lưu thông từ nội ô TP.Biên Hòa ra các khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 và khu vực ngã tư Vũng Tàu.
Trong 5 năm tới, Đồng Nai tiếp tục xác định việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối là một trong những nhiệm vụ đột phá để tỉnh phát triển.
Cũng trên địa bàn TP.Biên Hòa, trước năm 2016, tình trạng ngập úng khi trời mưa lớn cũng là nỗi “ám ảnh” của người dân. Thống kê của cơ quan chức năng thời điểm đó cho thấy, toàn TP.Biên Hòa có đến 25 điểm thường xuyên xảy ra ngập nặng khi trời mưa. Hàng loạt dự án thoát nước sau đó được triển khai đã giúp hạn chế tình trạng ngập nước tại nhiều “điểm nóng” trên địa bàn TP.Biên Hòa như: khu vực ngã năm Biên Hùng, đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua chợ Tân Phong, khu vực cầu Săn Máu…
Tại H.Cẩm Mỹ, hơn 1 năm nay, cuộc sống của người dân vùng Đồi 57 (ấp Suối Râm, xã Long Giao) có nhiều đổi thay khi tuyến đường Long Giao - Bảo Bình hoàn thành xây dựng. Từ một tuyến đường đất nhỏ hẹp, đường Long Giao - Bảo Bình hiện nay đã được đầu tư mở rộng, trải thảm nhựa. Nhờ đó, việc đi lại phục vụ cuộc sống cũng như sản xuất của người dân nơi đây thuận lợi hơn. “Khi tuyến đường được mở rộng rồi trải nhựa, việc đi lại, sản xuất của người dân thuận lợi hơn. Nông sản làm ra giờ cũng không bị thương lái ép giá vì đường sá đi lại khó khăn như trước” - bà Nguyễn Thị Minh Đức, người dân ấp Suối Râm, xã Long Giao cho biết.
Ngoài những công trình, dự án nói trên, trong 5 năm qua (2015-2020), trên địa bàn tỉnh cũng đã có hàng loạt công trình, dự án hạ tầng khác được đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động.
Đồng Nai luôn xác định, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện là đầu tư cho phát triển. Do đó, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng.
Trong giai đoạn 2015-2020, Đồng Nai đã huy động các nguồn lực được hơn 440 ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Tức trung bình mỗi năm tỉnh huy động gần 90 ngàn tỷ đồng từ các nguồn để đầu tư các công trình, dự án trên các lĩnh vực, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đã được triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác giúp Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, sản xuất công nghiệp...
Bên cạnh đó, nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho tỉnh và làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư được tích cực thực hiện, cơ bản khắc phục được tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, bước đầu giải quyết một phần nhu cầu nhà ở cho người dân.
Theo UBND tỉnh, tổng vốn huy động được để đầu tư thực hiện các công trình, dự án trên các lĩnh vực tại Đồng Nai đã vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Từ nguồn vốn trên đã giúp cho kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế,
GD-ĐT, hạ tầng thông tin truyền thông... được hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.
* Huy động mọi nguồn lực cho hệ thống hạ tầng
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trong 5 năm qua, tuy nhiên, theo UBND tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa đồng bộ, hiệu quả kết nối chưa cao. Tiến độ đầu tư một số tuyến giao thông kết nối quan trọng còn chậm. Hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông, thoát nước ở TP.Biên Hòa, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của tỉnh còn yếu kém và đang đứng trước nguy cơ quá tải nếu không có những biện pháp đầu tư tích cực.
Do đó, việc đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại tiếp tục được Đồng Nai xác định là lĩnh vực đột phá để phát triển trong 5 năm tới. Để làm được điều này trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách gặp hạn chế, Đồng Nai cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, tỉnh đang hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, trong đó sẽ dự báo và quy hoạch sẵn đất đai cho các lĩnh vực để huy động các nguồn lực đầu tư vào. Cụ thể, tỉnh quy hoạch thêm các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, các khu phức hợp kết hợp công nghiệp, dịch vụ, dân cư. “Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã ngỏ ý muốn đầu tư vào Đồng Nai” - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, hiện nay, các sở, ngành đang phối hợp với các địa phương hoàn thành quy hoạch ngành, đất đai cho thống nhất để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, người dân khi muốn triển khai dự án hoặc phát triển kinh tế. Đồng Nai cũng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chính sách “đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ giúp cho các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án, đồng nghĩa với việc nguồn vốn huy động được sẽ cao hơn và cũng sớm phát huy hiệu quả hơn.
Ngoài ra, hàng loạt dự án hạ tầng “khủng” đã và đang được triển khai xây dựng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… cũng sẽ giúp cho Đồng Nai có thêm nhiều lợi thế trong thu hút các nguồn lực đầu tư, trong đó có cả đầu tư vào hệ thống hạ tầng. Dự tính, trong 5 năm tới, nguồn vốn đầu tư vào tỉnh có thể vượt trên 100 ngàn tỷ đồng/năm.