Xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững
Ngày 19-12, Tổ chức Rikolto tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tổ chức Hội nghị 'Đánh giá và lập kế hoạch hoạt động chương trình Phát triển hệ thống thực phẩm bao trùm, thích ứng và bền vững tại Việt Nam năm 2024'.
Tham dự Hội nghị có đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố- đối tác chính trong Chương trình “Thực phẩm an lành cho thành phố” của Rikolto, gồm: Tuyên Quang, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Ban Quản lý chợ đầu mối, các hợp tác xã sản xuất, cung ứng rau, củ, quả khu vực các tỉnh phía Bắc.
Rikolto là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có hơn 50 năm kinh nghiệm hợp tác với tổ chức nông dân và các tác nhân trong chuỗi thực phẩm tại 17 quốc gia ở châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Mỹ La-tinh.
Liên quan tới hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam, Rikolto đã tích cực tham gia xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam. Mục tiêu của kế hoạch nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương.
Tại Tuyên Quang, Rikolto Việt Nam đã hỗ trợ phát triển 1.300 ha dưa chuột, ngô ngọt, ớt và các loại rau, củ khác mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân, đồng thời hình thành chuỗi thực phẩm an lành cho thành phố.
Cũng tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp, ban quản lý các chợ đầu mối, hợp tác xã sản xuất, cung ứng rau, củ, quả an toàn đã trao đổi, tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển thúc đẩy dự án và chuỗi thực phẩm an toàn, bền vững.
Trong năm 2024, Tổ chức Rikolto Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tính bền vững của chuỗi cung ứng thực phẩm và môi trường thực phẩm tại các chợ dân sinh và một số trường học. Rikolto cũng tích cực hợp tác với các ban điều phối an toàn thực phẩm tại các tỉnh để xây dựng hướng dẫn về quy định an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo tính bền vững của các hoạt động thông qua cách tiếp cận hệ thống thực phẩm bền vững một cách toàn diện, thúc đẩy sự phối hợp đa bên của tất cả các tác nhân trong hệ thống thực phẩm.