Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã và đang hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, CCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về môi trường.

Công nhân kiểm tra bể xử lý chất thải tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Thụy Vân (TP Việt Trì).

Công nhân kiểm tra bể xử lý chất thải tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Thụy Vân (TP Việt Trì).

Thực trạng hệ thống xử lý nước thải tập trung

Nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN Thụy Vân, TP Việt Trì được đầu tư, xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 6/2017, với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 5.000m3/ngày đêm. Toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong KCN đã đấu nối đường ống dẫn nước thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung với lượng nước thải trên 1 triệu m3/năm. Các doanh nghiệp phải tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy trước khi đưa vào hệ thống thu gom chung để xử lý tiếp. Cán bộ của trạm thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thu gom chung để lập biên bản, nhắc nhở không tái phạm. Ngoài tuân thủ các quy trình kỹ thuật, đơn vị thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc với tổng kinh phí năm 2023 là trên 1,8 tỷ đồng.

Ông Phạm Quang Huy - Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: “Chất lượng môi trường các KCN, CCN trong phạm vi quản lý của trung tâm được giám sát định kỳ theo quy định. Đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, nhất là trong mùa mưa bão, đơn vị đã hoàn thành xây dựng hồ dự phòng sự cố với khối lượng 10.000m3. Trong trường hợp có sự cố, nước thải sẽ được thu gom vào hồ sự cố và bơm về hệ thống xử lý nước thải để ngăn ngừa nước thải chưa qua xử lý phát tán ra môi trường”.

Địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay có 4 KCN đang hoạt động. Trong đó, 2 KCN là Thụy Vân và Phú Hà đã đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; KCN Cẩm Khê đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 5.000m3/ngày đêm; KCN Trung Hà chưa đầu tư hệ thống nước thải. Toàn tỉnh có 16 CCN đã đi vào hoạt động thì mới có 4 CCN đầu tư, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung là: Tử Đà - An Đạo (Phù Ninh), Thanh Minh (TX Phú Thọ), Bãi Ba - Đông Thành (Thanh Ba), Đồng Lạng (TP Việt Trì); 2 CCN đang xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung là Hoàng Xá (Thanh Thủy) và thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê). Trong số 12 CCN chưa đi vào hoạt động thì chỉ có 1 cụm Bắc Lâm Thao đã xây dựng được trạm xử lý nước thải tập trung và cụm Vạn Xuân (Tam Nông) đang xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

Như vậy còn 1 KCN và 20 CCN hiện nay vẫn đang “nợ” hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, nhiều CCN đi vào hoạt động đã lâu với tỷ lệ lấp đầy cao nhưng vẫn chậm đầu tư, xây dựng với lý do chính là khó khăn về nguồn vốn, chưa thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Điều này đòi hỏi các đơn vị thứ cấp phải tự xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Bãi Ba - Đông Thành.

Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Bãi Ba - Đông Thành.

Cần sớm giải quyết việc “nợ” hệ thống xử lý nước thải tập trung

Giai đoạn 2019 - 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 10 cơ sở hoạt động tại KCN, CCN vi phạm trên địa bàn với số tiền trên 646 triệu đồng đối với các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn, không thực hiện quan trắc, giám sát chất thải định kỳ.

Điều 51 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN như sau: “Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hạ tầng bảo vệ môi trường gồm hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường...”. Theo quy định tại Điểm G, Mục 3, Điều 15 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, chế tài xử phạt hành vi “không hoàn thành việc xây lắp, lắp đặt hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải của CCN đang hoạt động theo quy định” bằng hình thức phạt tiền từ 150 triệu - 200 triệu đồng.

Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và công trình xử lý nước thải tập trung. Đối với KCN, đề nghị đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, yêu cầu các cơ sở chấm dứt xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 1/1/2022.

Với quan điểm nhất quán của tỉnh “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, trong thời gian tới, Sở TNMT tiếp tục tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN và các cơ sở đang hoạt động ngoài KCN, CCN. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, tăng cường quản lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, tập trung giải quyết ô nhiễm tại KCN, CCN chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Trong công tác tiếp nhận đầu tư, Sở kiên trì quan điểm tham mưu UBND tỉnh chỉ tiếp nhận các dự án có thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường, vị trí dự án phù hợp bảo đảm đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; hạn chế việc tiếp nhận các dự án đầu tư ngoài KCN, CCN, ngoại trừ các ngành nghề dịch vụ, mang tính chất đặc thù; kiên quyết không cho đầu tư mở rộng, nâng công suất đối với các dự án đầu tư không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, Sở TNMT tăng cường công tác hậu kiểm sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc nhập khẩu, đưa các công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng; trong quá trình thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường sẽ chú trọng các cơ sở sản xuất phát sinh các nguồn thải lớn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; tiếp tục đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động và trang thiết bị quan trắc trên địa bàn tỉnh; vận hành, bảo trì hệ thống giám sát các trạm xử lý nước thải tập trung; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất đã bị xử phạt nhiều lần nhưng không xây dựng lộ trình khắc phục và vận hành hệ thống xử lý chất thải đạt Quy chuẩn môi trường Việt Nam theo quy định.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường- Sở TNMT, trong thời gian tới, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng trong việc đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN góp phần vào công tác thu hút đầu tư, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các KCN, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, đôn đốc các KCN, CCN hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các KCN, CCN báo cáo cụ thể về tiến độ, đồng thời không thu hút đầu tư mới hoặc nâng công suất các dự án đang hoạt động đối với các KCN, CCN chưa hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Với những giải pháp đồng bộ, kiên quyết, thiết thực của các cơ quan, đơn vị chức năng, mong rằng tình trạng các KCN, CCN “nợ” hệ thống xử lý nước thải tập trung sẽ được giải quyết triệt để, đảm bảo phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sống.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-tap-trung-tai-cac-khu-cum-cong-nghiep-213955.htm