Xây dựng Hòa Bình (HBC): Thoát lỗ trong quý III/2024 nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC – UPCoM) ghi lãi trở lại 842,34 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024 nhưng vẫn còn lỗ lũy kế 2.424,1 tỷ đồng, bằng 69,8% vốn điều lệ.
Trong quý III/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 974,9 tỷ đồng, giảm 48,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 12,66 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 179,36 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 51,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 20,61 tỷ đồng, lên 60,53 tỷ đồng; doanh thu tài chính bất ngờ ghi nhận âm 22,26 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 30,81 tỷ đồng, tức giảm 53,07 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 133,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 41,22 tỷ đồng, lên 72,03 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 44,16 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 86,46 tỷ đồng, tức giảm tới 130,62 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý III, lợi nhuận gộp mà Xây dựng Hòa Bình tạo ra thấp hơn chi phí tài chính, Công ty thoát lỗ và có lãi nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm.
Xây dựng Hòa Bình cho biết, doanh thu tài chính âm do ghi nhận âm 22,58 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay so với cùng kỳ dương 3,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp âm liên quan tới hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 86,6 tỷ đồng so với cùng kỳ trích lập 22,5 tỷ đồng.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 4.787,12 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 842,34 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 883,57 tỷ đồng, tức tăng thêm 1.725,91 tỷ đồng.
Năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43,3% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến 433 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.110,7 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành 194,5% so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Điểm đáng lưu ý, dù có lãi trở lại trong 9 tháng nhưng tại thời điểm 30/9/2024, Xây dựng Hòa Bình vẫn còn lỗ lũy kế 2.424,1 tỷ đồng, bằng 69,8% vốn điều lệ (vốn điều lệ 3.472,1 tỷ đồng)
Bên cạnh đó, xét về dòng tiền trong 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 49,5 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.124,7 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong kỳ, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 190,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 384,9 tỷ đồng.
Về quy mô tài sản, tính tới ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình tăng nhẹ 0,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 53,5 tỷ đồng, lên 15.303,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 10.884,3 tỷ đồng, chiếm 71,1% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.787,3 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản.
Về biến động tài sản, trong 9 tháng đầu năm, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 214,5 tỷ đồng, lên 10.884,3 tỷ đồng; tồn kho giảm 21,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 490,8 tỷ đồng, về 1.787,3 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 15,94 lần, tương ứng tăng thêm 741,3 tỷ đồng, lên 787,8 tỷ đồng …
Xây dựng Hòa Bình có thuyết minh thêm chi phí dở dang dài hạn tăng chủ yếu do hạch toán dự án bất động sản tới 741,7 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Xây dựng Hòa Bình giảm 8,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 384,9 tỷ đồng, về 4.333,1 tỷ đồng và bằng 263,3% tổng vốn chủ sở hữu. Ngược lại, Xây dựng Hòa Bình chỉ sở hữu 158 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó, nợ vay ngắn hạn lên tới 3.745,7 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 587,4 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiếu HBC tăng 300 đồng lên 5.200 đồng/cổ phiếu.