Xây dựng Hòa Bình lãi kỷ lục nhờ bán tài sản

Mặc dù doanh thu sụt giảm và biên lợi nhuận thu hẹp nhưng Xây dựng Hòa Bình vẫn báo lãi đột biến nhờ khoản thu nhập từ thanh lý tài sản và hoàn nhập dự phòng nợ khó đòi.

Xây dựng Hòa Bình là một trong những nhà thầu xây dựng dân dụng lớn hiện nay. Ảnh: HBC

Xây dựng Hòa Bình là một trong những nhà thầu xây dựng dân dụng lớn hiện nay. Ảnh: HBC

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đông, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá vốn lại tăng gần 10% lên 2.060 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 100 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống chỉ còn 4,6%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty đạt hơn 46 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 7% xuống mức 128 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng giảm mạnh khi công ty hoàn nhập phần dự phòng phải thu khó đòi hơn 290 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ phải trích lập hơn 400 tỷ đồng.

Đặc biệt, HBC ghi nhận khoản lợi nhuận khác 515 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Đây cũng là yếu tố quyết định giúp HBC lãi sau thuế 684 tỷ đồng (mức lợi nhuận quý kỷ lục), so với cùng kỳ âm 268 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Xây dựng Hòa Bình mang về doanh thu 3.811 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 741 tỷ đồng, so với 6 tháng đầu năm ngoái lỗ 713 tỷ đồng. Nguyên nhân giúp lợi nhuận của HBC có sự tăng trưởng đột phá là nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 7 lần cùng kỳ (đạt 160 tỷ đồng), hoàn nhập dự phòng và thanh lý tài sản trong quý 2 như đã kể trên.

Năm nay, HBC đặt kế hoạch doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số âm hơn 1.100 tỷ đồng năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận tương đương với năm 2019, trước khi các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

Như vậy sau nửa năm, Xây dựng Hòa Bình đã vượt xa kế hoạch. Tuy nhiên kết quả này còn phải chờ kiểm toán xác định lại. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của công ty này từng “bốc hơi” hơn 800 tỷ đồng sau soát xét, chuyển từ lãi 101 tỷ đồng sang lỗ 713 tỷ đồng do đơn vị kiểm toán đánh giá lại phần doanh thu từ chuyển nhượng vốn công ty con.

Tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp xây dựng đạt hơn 15.600 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 11.300 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản phải thu tăng là phải thu từ việc thoái vốn đầu tư.

Với các khoản phải thu trên, HBC phải dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng cho các khoản khó đòi, giảm hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm.

Các tài sản lớn khác của Xây dựng Hòa Bình là hàng tồn kho (gần 1.600 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm), chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn tại dự án bất động sản (742 tỷ đồng, so với đầu năm không ghi nhận).

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty ở mức hơn 14.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản giảm đến từ phải trả người bán, người mua trả tiền trước và vay nợ. Tổng nợ vay ở mức 4.484 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm.

Vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 1.566 tỷ đồng, tăng 1.473 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 3.472 tỷ đồng. Công ty còn lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2024.

Cuối tháng 6 vừa qua, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành đợt phát hành 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ cho các nhà thầu phụ, đối tác, nhà cung cấp, với giá 10.000 đồng/cp. Qua đó, công ty hoán đổi được hơn 730 tỷ đồng tiền nợ.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xay-dung-hoa-binh-lai-ky-luc-nho-ban-tai-san-31339.html