Xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn (bài 4)
Thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng, tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, đưa các chính sách lớn điều chỉnh quan hệ xã hội để bảo đảm quản lý Nhà nước, giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân.
Đi đầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo 273 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 4 luật, 3 nghị quyết, 24 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 thông tư liên tịch…
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ phát triển KTXH
Để hoàn thành khối lượng lớn công việc trên, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Bộ, CBCS Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã không quản ngày đêm, nghiên cứu để xây dựng và tham gia xây dựng các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị trong và ngoài ngành xin ý kiến; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ANTT; tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập, tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế do các đơn vị gửi đến đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Gặp Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp Bộ Công an những ngày này không dễ, mặc dù anh là người rất cởi mở, nhiệt tình, đặc biệt là với báo chí. Tuy nhiên, công việc “lút đầu lút cổ” bởi vừa chuyển trụ sở vừa hoàn thiện các dự án luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nên phải tập trung cao độ để thực hiện. Kể cả thứ 7, chủ nhật cũng phải vào “guồng” của công việc. Như thứ 7, ngày 12/8 vừa qua, Ban soạn thảo của Bộ Công an họp đến tận 3h ngày 13/8 để đối chiếu, chỉnh lý hai dự án luật là Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ và Luật Đường bộ.
Ngày 14/8, sau khi Bộ Công an trình Chính phủ, Cục trưởng lại cùng Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản để trình UBTVQH cho ý kiến. Được biết, Luật Trật tự ATGT đường bộ là một trong những dự án luật mà Bộ Công an kỳ công xây dựng trong suốt thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan đến quyền lợi “sát sườn” của từng người dân. Trong đó, mục tiêu cao nhất của Bộ Công an là làm thế nào đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao. Theo dự kiến, luật này sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6, nhưng với quyết tâm mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam ra nước ngoài, phù hợp với bối cảnh công nghệ số, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng “làm ngày, làm đêm” để hoàn thành sớm nhất dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 5, có hiệu lực vào ngày 15/8/2023.
Dự án luật đã góp phần phát triển KTXH; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm TTATXH, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử.
Dự án Luật Căn cước được Bộ Công an xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cũng được dư luận đánh giá rất cao. Nói về dự án luật trên, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu, bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ Công an đã đề xuất trong Luật Căn cước quy định mới về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân. "Vừa rồi chúng tôi làm việc với ngành giáo dục rất thuận lợi cho các cháu đi thi. Chúng tôi cũng có thể cung cấp cho ngành giáo dục năm nay xã này có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học, bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ; bao nhiêu người trong độ tuổi lao động; bao nhiêu người già; bao nhiêu người yếu thế cần giúp đỡ… từ dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", rất thuận lợi, bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo...", Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.
Một trong những điểm nổi bật của Bộ Công an trong xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Đánh giá về công tác này của Bộ Công an, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Công an đang là bộ tiên phong đi đầu và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một tiến bộ rất vượt bậc trong việc góp phần xây dựng nền tảng đầu tiên dữ liệu lớn của Việt Nam. Với tiến độ và cách thức như thế này, tôi nghĩ nếu kết hợp tốt với các bộ, ngành, các cơ quan khác, có thể chúng ta sẽ có sự chuyển biến rất nhanh trong việc thực hiện chủ trương về thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số”.
Về kết nối chia sẻ thông tin xác thực điện tử giải quyết nhu cầu dịch vụ công, thủ tục hành chính theo Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an là Bộ gương mẫu đi đầu. Liên tục trong tháng 5 và 6/2023, đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo 16 Bộ trưởng thực hiện Đề án 06. Đại tá Trần Quốc Toàn, Trưởng phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự cho biết, trong xây dựng, thực hiện Đề án 06 – đề án đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, lãnh đạo Bộ kiểm tra thường xuyên nên đơn vị đã tham gia, phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH rà soát, đề xuất ban hành, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật, quyết định, Nghị định, thông tư… để triển khai thực hiện hiệu quả nhất.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng lực lượng CAND
Là phóng viên theo dõi lĩnh vực xây dựng pháp luật, tôi thấy rằng, hầu hết các phiên thảo luận về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo tại các Ủy ban của Quốc hội, UBTVQH và Quốc hội đều thu hút đông đảo người dân và các nhà chuyên môn quan tâm. Tại các phiên thảo luận, những vấn đề quy định trong dự thảo được các đại biểu đánh giá, góp ý, thậm chí “mổ xẻ”, phản biện sâu sắc. Chính vì vậy, nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công an là phải giải trình, giải thích, đưa ra những tài liệu, lập luận có sức thuyết phục để các đại biểu hiểu rõ hơn và ủng hộ.
Trong Luật Lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở, Bộ Công an đề xuất kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, góp phần tinh gọn đầu mối, tập trung nhiệm vụ, bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT thực sự hiệu quả, là lực lượng có chức năng phối hợp, hỗ trợ Công an cấp xã trong đảm bảo ANTT ở cơ sở, đảm bảo an toàn nhất cho người dân ngay tại địa phương mình. Đồng thời, giải trình đầy đủ để đại biểu Quốc hội và người dân hiểu về những lợi ích của dự luật, nêu dẫn chứng cụ thể khi ban hành luật không tăng biên chế, không tăng ngân sách, chỉ có lợi ích duy nhất là đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân.
Công tác xây dựng pháp luật của Bộ Công an trong nửa nhiệm kỳ qua còn ghi dấu ấn trong nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH; chủ động tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ANTT và xây dựng lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động, Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ôtô; Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân… Đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Luật CAND đã thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH.
Ngoài ra, Bộ Công an đã tham gia ý kiến, phối hợp với các bộ, ngành khác trong soạn thảo các dự án luật có các nội dung về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH như Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở; Luật Đất đai… Bên cạnh đó, công tác tổng hợp, tham mưu, tư vấn pháp luật, công tác rà soát kiểm tra, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và thực hiện chức năng cơ quan đầu mối về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù được thực hiện tốt.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong và ngoài ngành trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CBCS Công an và nhân dân. Tổ chức tốt công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong CAND, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và số hóa các biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong CAND. Chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành kịp thời các băn bản chỉ đạo để định hướng cho Công an các đơn vị, địa phương tạo sự chuyển biến đồng bộ, có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trong toàn lực lượng Công an.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, khi xây dựng dự án luật, để có thể thuyết phục người dân và các cơ quan chức năng thì phải làm rõ được tính cấp thiết trong xây dựng văn bản pháp luật, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, thuyết minh chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thực hiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực đó; yêu cầu bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013; tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật trong các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.