Xây dựng huyện Hải Lăng thành điểm đến lý tưởng thông qua các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống. Bài 1: Bức tranh lễ hội đặc sắc, ấn tượng nơi miền đồng sâu, cát trắng
Hải Lăng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội độc đáo, ấn tượng được gìn giữ, phát huy từ hàng trăm năm trước đến ngày nay. Các lễ hội truyền thống nơi đây không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc, giá trị lịch sử, văn hóa mà còn thể hiện nếp sống riêng có của người dân, là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa thắm đượm tình đoàn kết cộng đồng. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được tổ chức thường niên đã tạo nên bức tranh lễ hội đa sắc màu; trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, đồng thời là điểm nhấn thu hút du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, lưu giữ những kỷ niệm đẹp trên miền đồng sâu, cát trắng Hải Lăng.
Những lễ hội đậm đà bản sắc, mang nhiều ý nghĩa
Lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống ở huyện Hải Lăng diễn ra theo nhiều mốc thời gian khác nhau trong năm, từ cấp huyện đến các thôn, xóm. Song tất cả đều có những nét đặc trưng riêng làm cho bức tranh lễ hội truyền thống Hải Lăng luôn sôi động, hấp dẫn, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về các loại hình lễ hội, thu hút khách du lịch. Mùa xuân, người dân thường tổ chức các lễ hội mừng năm mới và các nghi lễ mang đậm nét riêng của nền nông nghiệp như: lễ hội cầu mùa, lễ hội cầu ngư...
Đặc biệt, có những lễ hội được hình thành từ hàng trăm năm trước, được gìn giữ cho đến hôm nay, mang bản sắc riêng của huyện Hải Lăng như: Lễ hội đua thuyền truyền thống diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn huyện, lễ hội cầu ngư và hội vật (làng Trung An, làng Thâm Khê, xã Hải Khê), hội bưng đá (làng Hưng Nhơn, xã Hải Phong), hội cướp cù (xã Hải Bình)... Tháng 9 hằng năm, diễn ra lễ hội phá trằm (thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng). Ấn tượng hơn, nhiều xã, thôn của huyện Hải Lăng còn có lễ hội được tổ chức vào mùa... lũ lụt.
Hình thành trên ý thức, nguyện vọng của Nhân dân và được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, do đó, khi tiến hành tổ chức, các lễ hội luôn nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao, thúc đẩy nâng cao đời sống tinh thần, gắn kết trong cộng đồng mỗi địa phương, khu dân cư.
Các loại hình lễ hội cũng thể hiện được bản sắc văn hóa của người dân Hải Lăng, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, đồng thời mang ý nghĩa tâm linh - tín ngưỡng tốt đẹp. Những lễ hội đa sắc màu của con người và vùng đất Hải Lăng còn góp phần rèn luyện thể lực, phục vụ lao động, sản xuất; tạo không gian giao lưu, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc nơi miền đồng sâu, cát trắng.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Lăng Nguyễn Hữu Trung cho biết: Các hoạt động lễ hội ở Hải Lăng được tổ chức một cách bài bản, khoa học với chất lượng và tính hiệu quả ngày càng được nâng cao đã góp phần xây dựng nên đời sống văn hóa phong phú của người dân nơi đây; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn huyện.
Qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống; xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nếp sống văn minh, hiện đại; nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, làm khởi sắc bộ mặt quê hương Hải Lăng.
Đua thuyền trên cánh đồng nước bạc - Lễ hội độc đáo ở vùng trũng Hải Lăng
Tự bao đời nay, hội đua thuyền đã trở thành niềm tự hào của người dân ở các làng quê vùng sông nước. Đây cũng là hoạt động được diễn ra ở hầu hết các địa phương của Hải Lăng từ huyện cho đến cơ sở, được đánh giá là sôi động nhất trong các lễ hội truyền thống nơi đây. Độc đáo hơn nữa là ở Hải Lăng, nhiều nơi người dân không đua thuyền trên sông mà lại tổ chức đua ngay trên... cánh đồng.
![Lễ hội đua thuyền truyền thống thôn Phương Hải, xã Hải Bình thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia - Ảnh: M.Đ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_450_51453290/0b5a372f0161e83fb170.jpg)
Lễ hội đua thuyền truyền thống thôn Phương Hải, xã Hải Bình thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia - Ảnh: M.Đ
Tại thôn Phương Hải, xã Hải Bình, phong trào đua thuyền có từ lâu đời và đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, là một nét đẹp truyền thống văn hóa của vùng quê lúa nước với quan niệm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nuôi trồng bội thu.
Anh Khổng Yên, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hải Bình cho hay, lễ hội đua thuyền truyền thống thôn Phương Hải diễn ra hằng năm vào khoảng tháng 10, tháng 11 dương lịch, đúng dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều kiện để tổ chức hội đua chính là khi mưa lụt làm cho cánh đồng ngập sâu trên 1,5 m và tạo ra một vùng trải dài mênh mông nước bạc.
Người dân địa phương cho rằng, đội đua nào giành giải cao trong hội đua thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Vì vậy, ngay sau khi mùa màng kết thúc, gần đến mùa lụt, người dân trong thôn, không phân biệt gái trai, già trẻ lại hăng hái tập luyện để tham gia ngày hội truyền thống của quê hương.
Đua thuyền mùa nước bạc có điểm thú vị đó là diễn ra trên đồng ruộng nên “đường đua” luôn bằng phẳng, trải rộng, không có chướng ngại vật hay bị ảnh hưởng từ những đợt sóng như đua trên sông. Người xem cũng thỏa mắt nhìn rõ những cuộc tranh tài trên cánh đồng đầy nước mà không bị che khuất tầm nhìn.
Năm 2024, lễ hội đua thuyền truyền thống thôn Phương Hải diễn ra vào ngày 3/11 tại xứ Bàu Hổ được chọn làm phần hội trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Ngày hội văn hóa quân - dân” và hướng tới kỷ niệm 555 năm thành lập làng Phương Lang (1470-2025). Hội đua quy tụ 8 đội với 340 vận động viên tham gia, thu hút trên 10.000 người dân và du khách đến xem, cổ vũ.
Đây là một hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống được địa phương tổ chức hằng năm nhằm phát huy giá trị văn hóa tinh thần, tạo không khí thi đua sôi nổi và thắt chặt tình đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Cũng như xã Hải Bình, ở xã Hải Định, 2 thôn có truyền thống lâu đời về tổ chức lễ hội đua thuyền mùa nước bạc đó là Trung Đơn và Phước Điền. Theo các bậc cao niên thôn Trung Đơn, lễ hội đua thuyền truyền thống của thôn có từ khoảng 500 năm trước.
Với người dân nơi đây, lớn hơn nỗi lo ngập nước, bùn non trong mùa lụt là niềm háo hức, mong chờ đến ngày bước vào hội đua thuyền trên nước bạc để trở thành những “tay chèo” dũng mãnh trên chính cánh đồng của mình. Anh Lý Văn Ánh, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hải Định cho hay, lễ hội đua thuyền độc đáo của địa phương chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm khi mùa nước lụt dâng lên vào khoảng tháng 10, tháng 11 dương lịch.
Ở những vùng quê có sông, có hồ thì có thể tổ chức đua thuyền vào nhiều thời điểm khác nhau. Nhưng ở thôn Trung Đơn, chỉ khi nào mực nước ngập trên cánh đồng đã đáp ứng được yêu cầu cho hội đua thuyền diễn ra, thôn mới chọn một ngày tiết trời đẹp để tổ chức đua. Hàng trăm năm qua, lễ hội đua thuyền mùa nước bạc ở thôn Trung Đơn vẫn luôn tạo sức hút mãnh liệt đối với con em trong thôn cũng như du khách thập phương, dù đi đâu xa cũng trở về ngày hội để giao lưu, thi đấu và cổ vũ cuộc tranh tài độc đáo.
“Có thể khẳng định, đua thuyền mùa nước bạc đã trở thành nét đặc trưng riêng của vùng quê nông nghiệp Hải Lăng. Ai đã từng một lần xem đua thuyền trên cánh đồng nước bạc, chắc chắn sẽ có những trải nghiệm khó quên.
Lễ hội này cũng thể hiện tinh thần lạc quan, sức mạnh của người dân trong việc thích ứng với vùng sông nước, chiến thắng thiên nhiên, làm cho đời sống tinh thần thêm phấn chấn để hướng đến mùa màng tươi tốt, quê hương khởi sắc”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục Thể thao huyện Hải Lăng Nguyễn Hùng Mạnh tự hào nói.
Đậm hồn quê qua lễ hội phá trằm
Nằm tại thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, trằm Trà Lộc được ví như một bức tranh thủy mặc hữu tình, nơi du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn và lý tưởng của huyện Hải Lăng. Vào cuối vụ lúa hè thu hằng năm (tháng 8 âm lịch), đến đây, mọi người sẽ được hòa mình trong bầu không khí sôi nổi, độc đáo của ngày hội phá trằm- một lễ hội mang đậm chất thôn dã diễn ra duy nhất một lần trong năm.
![Người dân và du khách có nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi tham gia bắt cá trong lễ hội phá trằm Trà Lộc - Ảnh: M.Đ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_450_51453290/aa90e5e5d3ab3af563ba.jpg)
Người dân và du khách có nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi tham gia bắt cá trong lễ hội phá trằm Trà Lộc - Ảnh: M.Đ
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hưng Cáp Xuân Tường cho biết, lễ hội phá trằm là hoạt động văn hóa của làng Trà Lộc đã có cách đây hơn 300 năm. Người dân nơi đây quan niệm rằng trằm là do tạo hóa ban tặng cho con người nên sau những chuỗi ngày lao động vất vả, bà con nông dân lại “phá trằm”.
Gọi là “phá” nhưng thực chất là đánh bắt cá, tôm, lươn, ốc... cũng là dịp để vệ sinh lòng hồ, thay đổi nguồn nước để cảnh quan trong hồ luôn được trong sạch, đẹp. Việc làm này trở thành thông lệ truyền thống và được địa phương quan tâm tổ chức thành lễ hội. Tất cả người dân, không kể là người địa phương hay du khách đều có thể tham gia ngày hội.
Điểm ấn tượng ở lễ hội này đó là người tham gia chỉ được phép bắt cá, tôm bằng các ngư cụ thô sơ, với phương pháp thủ công truyền thống của cha ông như với rớ, nơm, rổ... hoặc bằng tay chứ không được sử dụng điện hoặc các phương pháp đánh bắt tận diệt. Điều này mang đến cho người dân và du khách nhiều trải nghiệm thú vị, nhất là các em nhỏ khi được tận tay bắt con cá, con tôm... và cảm nhận được lối đánh bắt thủy sản truyền thống từ xa xưa của cha ông.
Hình ảnh nhiều người trực tiếp tham gia “phá trằm” tuy toàn thân lấm bùn nhưng vẫn nở nụ cười tươi khi bắt được cá to cùng âm thanh hò reo, cổ vũ của những người đứng xem trên bờ tạo nên bầu không khí vô cùng sôi nổi, vui tươi cho lễ hội.
Sau lễ hội độc đáo này, bàu nước được xả sạch, làm vệ sinh để tạo môi trường nước trong lành, tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh sống và phát triển. Lễ hội còn mang lại nhiều ý nghĩa tinh thần cho du khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc.
“Sau khi có những trải nghiệm khó quên trong lễ hội phá trằm, nhiều người lựa chọn đến những chiếc chòi lá ngắm cảnh và thưởng thức các món ăn đặc sản Hải Lăng chế biến từ những con cá, con tôm do chính công sức họ đánh bắt được. Một số người địa phương hoặc con em xa quê thì đem những thành quả đó về nhà, tự tay chế biến để quây quần bên nhau, cùng ăn món ngon dân dã quê hương và hào hứng kể lại những câu chuyện vui trong lễ hội độc đáo này.
Qua đó, mỗi người luôn nhắc nhở nhau, dù đi đâu, làm gì cũng nhớ đến ngày hội truyền thống để trở về hòa mình vào không gian lễ hội đậm hồn quê trên mảnh đất Hải Lăng”, anh Cáp Xuân Tường vui vẻ nói.
Nguyễn Minh Đức
Bài 2: Nỗ lực phát huy và nâng tầm giá trị văn hóa của lễ hội