Xây dựng khung pháp lý cho tài sản số

Trước thông tin tài sản số được quy định tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm có khung khổ pháp lý cho loại tài sản này.

Theo báo cáo của Tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2023 dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 120 tỷ USD. Lợi nhuận từ đầu tư vào tài sản mã hóa ở thị trường Việt Nam đứng thứ ba thế giới, hơn 21% dân số Việt Nam sở hữu tài sản số.

Công ty Cổ phần Nippy Labs chuyên cung cấp các giải pháp tích hợp blockchain, kiểm toán hợp đồng thông minh, tập trung xây dựng các sản phẩm Bot theo dõi các biến động của thị trường nhằm cung cấp thông tin chính xác cho nhà đầu tư trước khi ra quyết định. Mặc dù được đánh giá là doanh nghiệp công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, khi gọi vốn đầu tư, doanh nghiệp lại gặp phải nỗi lo khác.

Ông Phạm Gia Khánh - Quản lý Kỹ thuật Công ty Cổ phần Nippy Labs cho biết: “Tổ chức bên ngoài quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam thì đầu tiên họ sẽ kiểm tra là chúng ta có khung pháp lý chưa, đã có các quy định phù hợp chưa thì họ mới rót vốn đầu tư dễ dàng hơn. Về cơ bản chúng ta cần có các bộ luật chính xác hướng dẫn được các tổ chức bên ngoài quốc gia để họ dễ dàng gửi dòng vốn vào hơn”.

Năm 2023 dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 120 tỷ USD.

Năm 2023 dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 120 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, khung pháp lý cho tài sản số trên thế giới phổ biến tập trung bốn vấn đề: chính sách thuế; các tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; chính sách bảo vệ người tiêu dùng; chính sách cấp phép. Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mới chỉ đưa ra khái niệm, còn lại là có điều khoản giao cho các bộ, ngành liên quan triển khai việc soạn thảo. Do đó, cần có chiến lược lớn hơn, bài bản hơn, quy định rõ hơn về việc xây dựng chính sách.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay: “Dòng vốn FDI vào Việt Nam hàng năm ở mức 25-33 tỷ USD, đây là một con số rất lớn và con số này có thể chiếm đến 30% GDP Việt Nam, nó thể hiện đây là một nền kinh tế ngầm, nếu chúng ta có một chính sách tốt thì không những góp phần ngăn chặn những hệ lụy từ mặt trái của kinh tế ngầm mà còn góp phần vào phát triển kinh tế số theo định hướng của chính phủ Việt Nam”.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng: “Bộ Luật Dân sự cần sửa đổi, định nghĩa lại tài sản trong điều 105 bộ Luật Dân sự vì đó là luật gốc. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo một luật công nghệ số thì cũng cần có một định nghĩa về tài sản số ở đó, khi chúng ta thừa nhận nó, thì cũng có thể cụ thể hóa trong câu chuyện phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”.

Các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược lớn hơn, bài bản hơn, quy định rõ hơn về việc xây dựng chính sách.

Các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược lớn hơn, bài bản hơn, quy định rõ hơn về việc xây dựng chính sách.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán. Bộ Tư pháp không coi tiền mã hóa là một loại tài sản. Tương tự, Bộ Công thương cũng không xem tiền mã hóa là một loại hàng hóa hay dịch vụ. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chưa đề cập cụ thể đến tài sản ảo và tài sản điện tử.

Các chuyên gia nhận định, việc thiếu các quy định pháp lý liên quan đến tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo đã tạo ra khoảng trống pháp lý đối với tài sản mã hóa tại Việt Nam.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/xay-dung-khung-phap-ly-cho-tai-san-so-263007.htm