Xây dựng KKT Dung Quất thành KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững
Từ định hướng chung của tỉnh Quảng Ngãi, với tiềm năng và thế mạnh hiện có, Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh sẽ tập trung xây dựng KKT Dung Quất thành KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Phóng viên (PV) Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với Trưởng ban Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương xoay quanh định hướng phát triển này.
Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương.
PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của KKT Dung Quất sau hơn 26 năm hình thành và phát triển?
Đồng chí HÀ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG: KCN Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 207/QĐ-TTg ngày 11/4/1996; ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg thành lập KKT Dung Quất trên cơ sở KCN Dung Quất trước đây; quy mô được điều chỉnh, mở rộng từ 10,3 nghìn ha lên diện tích 45,3 nghìn ha tại Quyết định số 124/QĐ-TTg, đây là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp; là đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Sau hơn 26 năm hình thành, đến nay KKT Dung Quất đã có bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công nhất của cả nước; là hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tính đến nay, KKT Dung Quất đã thu hút 349 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 380 nghìn tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 9,2 tỷ USD, trong đó có 245 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là lực lượng sản xuất tại chỗ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi ổn định, bền vững trong thời gian qua; đồng thời tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển trong thời gian đến.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, chiếm 86% giá trị toàn tỉnh; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 20,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 85% tổng nguồn thu ngân sách tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,674 tỷ USD; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 44,2 triệu tấn.
So sánh với một số KKT ven biển lớn ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, chúng ta có thể nhận thấy rằng KKT Dung Quất có lượng vốn đầu tư lớn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cụ thể, KKT Dung Quất thu hút 349 dự án, tổng vốn đăng ký gần 377 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) và Nhơn Hội (Bình Định), gấp 4,7 lần KKT Vân Phong (Khánh Hòa), gấp 2,5 lần KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa). Thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất năm 2021 đạt hơn 20,2 nghìn tỷ đồng, gấp 1,26 lần KKT Nghi Sơn, gấp 1,42 lần KKT mở Chu Lai, gấp 373 lần KKT Nhơn Hội. Lũy kế giải quyết việc làm đến nay tại KKT Dung Quất là 69 nghìn lao động, gấp 2,3 lần KKT mở Chu Lai, gấp 3,1 lần KKT Nhơn Hội.
PV: Để xây dựng KKT Dung Quất thành KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã có những định hướng đầu tư phát triển KKT Dung Quất như thế nào trong thời gian tới?
Đồng chí HÀ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG: Thứ nhất, để xây dựng KKT Dung Quất là KKT chuyên biệt chúng tôi sẽ tận dụng tiềm năng, lợi thế hiện có của KKT Dung Quất, đầu tư xây dựng KKT Dung Quất là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - du lịch - dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có trung tâm lọc hóa dầu, cơ khí - luyện kim và năng lượng quốc gia và trung tâm logictics lớn của khu vực, nhằm phát huy và khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, là một trong những đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên; là hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung;
Thứ hai, là KKT xanh, chúng tôi sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước để đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, công nghiệp sạch, nhằm phát triển KKT bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, dành quỹ đất thích đáng để phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly, hình thành các vùng đệm sinh thái giữa các KCN, đô thị và khu du lịch; nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, điện từ xử lý rác thải, … để cung cấp cho các hoạt động trong KKT; bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn KKT như: Khu vực bờ biển, khu vực đồi núi, hệ thống sông, hồ, kênh và các vùng ngập nước,… nhằm đảm bảo phát triển thuận theo tự nhiên, xanh và thân thiện với môi trường.
KKT Dung Quất hiện đã thu hút 349 dự án đầu tư.
Thứ ba, là KKT thông minh, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng KKT Dung Quất đồng bộ, thông minh, hiện đại; kêu gọi các doanh nghiệp phối hợp với Ban Quản lý KKT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số, thực hiện chuyển đổi số, từng bước xây dựng KKT theo hướng tự động hóa, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tối ưu hóa trong quản lý, điều hành.
Chúng ta có khái niệm đô thị thông minh, thành phố thông minh, nhưng chưa có khái niệm KKT, KCN thông minh. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, chậm nhất đến năm 2024 sẽ có một ứng dụng số mang tên KKT Dung Quất trên nền tảng iOS và Androi nhằm cung cấp các tiện ích thông minh, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, phát triển bền vững, xây dựng KKT Dung Quất đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Lấy con người là mục tiêu phục vụ cao nhất, trong đó tập trung hỗ trợ người lao động và nhân dân trên địa bàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội, người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả phát triển của KKT Dung Quất.
Giai đoạn 2011 - 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 184 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 80% tổng nguồn thu ngân sách tỉnh), nhưng vốn ngân sách tỉnh bố trí đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất khoảng 2.820 tỷ đồng chiếm 1,53% tổng nguồn thu trên địa bàn.
Để xây dựng KKT Dung Quất theo định hướng như trên, tôi cũng đề nghị Tỉnh ủy xem xét, trình trung ương cho phép lập Đề án: Xây dựng KKT Dung Quất thành KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững, là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, đất đai, xây dựng, tài chính,... và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trình trung ương xem xét cho cơ chế: “Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho KKT Dung Quất tương ứng mức 10%-15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách trung ương để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng”.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét “Ưu tiên bố trí Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho KKT Dung Quất trong giai đoạn 2023 - 2030 khoảng 10%-15% nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất” để đầu tư mới và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; xây dựng các khu tái định cư, chủ động trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, góp phần ổn định đời sống người dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
N.ĐỨC (thực hiện)