Xây dựng làng nông thôn mới ở Gia Lai
Diện mạo các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Đó là kết quả đem lại từ quan điểm:'Hướng về cơ sở, lấy thôn, làng làm thước đo của sự phát triển' được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo và triển khai thực hiện trong 5 năm qua…
Điểm sáng từ làng
Từ quan điểm này, Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” được ban hành đầu năm 2018; được xây dựng trên cơ sở lồng ghép 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có điều chỉnh một số nội dung phù hợp điều kiện thực tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xuất phát từ quan điểm nếu không có thôn, làng nông thôn mới thì sẽ không có xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, mô hình “làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số” ở Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thông qua nhiều chương trình, chính sách, phong trào, cuộc vận động do các cấp, các ngành triển khai thực hiện cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang của Trung ương và địa phương đứng chân trên địa bàn bước đầu mang lại hiệu quả cả về kinh tế lẫn chính trị.
Làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) là một trong bốn làng căn cứ cách mạng của huyện này.
Làng có hơn 100 hộ, hơn 400 khẩu nhưng có đến hơn 60% số hộ nghèo do người dân chủ yếu sản xuất lúa rẫy một vụ và trồng sắn, thu nhập thấp. Cũng vì lẽ đó, từ năm 1990, 12 hộ dân với gần 60 khẩu đã tự ý di dời lên định cư trên núi Cheng Leng thuộc địa phận xã H’bông (huyện Chư Sê), chấp nhận cuộc sống biệt lập, ốm đau không được chữa bệnh, trẻ em không được học hành.
Đây là những vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền trong việc ổn định đời sống cho người dân. Sau khi được huyện Phú Thiện chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới, chỉ trong thời gian ngắn, được sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làng Hek bây giờ đã được sắp xếp, quy hoạch lại bài bản; 11 trục đường bê-tông chia làng thành tám ô bàn cờ, lấy nhà rông làm khu trung tâm. Hơn 100 hộ của làng, mỗi hộ được cấp 600 m2 đất để làm nhà, chung quanh được rào ngăn nắp bằng lưới và trụ bê-tông có cổng, ngõ; gia súc được nuôi nhốt không phải thả rông, người dân được dùng điện, sử dụng nước sạch; các cháu trong độ tuổi được đến trường.
Đặc biệt hơn, 60 khẩu của 12 hộ dân trên núi Cheng Leng được bố trí chỗ ở ổn định tại khu dân cư tập trung của làng. Anh Ksor Krốt là hộ nghèo nhất làng. Sau khi được di dời từ núi Cheng Leng về, được chính quyền hỗ trợ 50 triệu đồng, anh và mẹ già đã an cư trong căn nhà mới xây kiên cố.
Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện và xã còn hướng dẫn, hỗ trợ gia đình tôi làm vườn rau xanh, chuồng bò, nhà vệ sinh, nhờ vậy gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Anh Ksor Krốt hộ nghèo nhất làng
Tương tự, phong trào xây dựng làng nông thôn mới đã được cán bộ, người dân buôn Prong (xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) hưởng ứng sôi nổi. Đến cuối năm 2019, buôn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới. Ông Ksor Thin, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cho hay, bây giờ cuộc sống của bà con không những ổn định, mà buôn hiện có đàn bò lớn nhất so với các buôn khác trong toàn huyện, hộ ít nhất cũng có khoảng 5-7 con và hộ nhiều thì có đến vài chục con.
Qua tuyên truyền, vận động, đến nay, 100% hộ dân trong buôn đã di dời chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nơi ở; làm vườn để trồng rau xanh phục vụ đời sống. “Quá trình thực hiện Chỉ thị số 12, người dân trong buôn luôn đồng sức, đồng lòng, mỗi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm tham gia một việc làm thiết thực, góp một ý tưởng hay để xây dựng nông thôn mới”. Bí thư Chi bộ buôn Prong phấn khởi cho biết.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Tỉnh ủy Gia Lai, các địa phương đã huy động hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài nguồn vốn được Nhà nước đầu tư; vốn doanh nghiệp hỗ trợ, người dân đóng góp hơn 153 tỷ đồng, hiến 400.830 m2 đất và tham gia 96.411 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, các công trình phụ trợ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 186 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Còn theo bà Đinh Thị Ngoại, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Lợt (xã Nghĩa An, huyện Kbang) thì bà con rất phấn khởi trước những thay đổi diện mạo của làng, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang ngăn nắp, ý thức của người dân thay đổi rõ rệt. “Từ năm 2018 đến nay, ngoài kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, làng đã huy động người dân đóng góp 1,2 tỷ đồng và 250 ngày công để xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, bà con đã tự giác tháo dỡ hơn 2.000 m hàng rào để mở rộng các tuyến đường nội thôn; làm mới 4 tuyến đường nội đồng dài 1.163 m và 1 tuyến đường nội thôn dài 1.281 m”, bà Ngoại cho biết.
Hướng đến mục tiêu bền vững
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 do Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức mới đây được xem như là việc đánh giá một bước quá trình triển khai thực hiện thành công mô hình xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ hội nghị này, ngoài những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ thì nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt đã được nêu lên, tạo cơ sở để việc xây dựng làng nông thôn mới trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai tiếp tục có bước phát triển mới, đi vào thực chất.
Theo lãnh đạo các địa phương trong tỉnh, trở ngại đầu tiên là nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân về xây dựng làng nông thôn mới cá biệt một số cơ sở vẫn chưa đúng mức và nhất quán. Bên cạnh đó, các làng đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở, xuất phát điểm của các làng ở mức yếu kém, thiếu kiến thức về tổ chức cuộc sống cho nên sản xuất không hiệu quả, chi tiêu thiếu khoa học, dẫn đến đói nghèo.
Chính lối suy nghĩ cũ, cách làm cũ, phong tục, tập quán lạc hậu của một số đồng bào đang là rào cản lớn đối với công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đó là chưa kể, một bộ phận đồng bào còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước.
Một số ý kiến băn khoăn về việc quy hoạch, sắp xếp nhà cửa, bố trí lại dân cư ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số như hiện nay liệu có làm mất đi bản sắc kiến trúc văn hóa vốn có hay không?…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch, qua tìm hiểu các làng dân tộc thiểu số được công nhận nông thôn mới, để có được kết quả nêu trên là sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có sự đóng góp khá lớn bằng vật chất từ các doanh nghiệp.
Do vậy, ngoài việc sắp xếp, bố trí lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các làng thì quá trình xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số phải quan tâm đến việc tạo sinh kế lâu dài. “Phải hỗ trợ người dân phát triển sản xuất bằng những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa lý và trình độ sản xuất để nâng cao thu nhập cho họ.
Những đầu tư ban đầu là cơ bản nhưng quan trọng hơn vẫn cần sự quan tâm thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, giúp người dân dần xóa bỏ tư duy lạc hậu trong sản xuất; xóa bỏ tư tưởng ỷ lại mà phải tự vươn lên ổn định cuộc sống. Đó mới là biện pháp căn cơ lâu dài”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phát biểu.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Hồ Văn Niên cho biết: Chỉ thị số 12 là mô hình đặc trưng của tỉnh, do đó, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp xem đây là quyết tâm chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Gia Lai. Hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên, liên tục và thực chất. Xây dựng làng nông thôn mới không chỉ là điện, đường, sắp xếp nhà ở mà phải là làng có con em trong độ tuổi được đi học; người dân đau ốm phải được điều trị; phải có môi trường tốt, đời sống người dân được nâng lên…
“Gia Lai hiện có hơn 45% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Đây là những vấn đề mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai luôn trăn trở. Mô hình xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số là mô hình mới, xuất phát từ thực tế.
Quá trình triển khai thực hiện xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh nhưng với những kết quả đạt được và nhất là những kinh nghiệm rút ra từ các làng làm điểm, Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những mô hình ấy chắc chắn sẽ tạo điểm tựa vững chắc; là động lực quan trọng để nhiều thôn, làng trong tỉnh đổi thay, khởi sắc và phát triển, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-lang-nong-thon-moi-o-gia-lai-post765438.html