Xây dựng lối sống đạo đức Phật giáo trong xã hội
Giáo dục đạo đức Phật giáo là hướng dẫn con người chọn cho mình những ngành nghề chính đáng, tức là những ngành nghề được xã hội công nhận, là những nghề hiền lương, không gây thất đức. Hướng dẫn cho con người đời sống kinh tế có đạo đức, cũng chính là hướng dẫn con người có một đời sống thật sự hạnh phúc.
Giáo dục đạo đức Phật giáo là hướng dẫn con người chọn cho mình những ngành nghề chính đáng, tức là những ngành nghề được xã hội công nhận, là những nghề hiền lương, không gây thất đức. Hướng dẫn cho con người đời sống kinh tế có đạo đức, cũng chính là hướng dẫn con người có một đời sống thật sự hạnh phúc.
Tác giả: Thích Nhật Mỹ
Tăng sinh cao học khóa 2, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Chùa Giác Hoàng, tổ 10, khu vực 5, phường An Tây, Tp.Huế.
Sự nghiệp hoằng pháp là sứ mệnh thiên liêng của người con Phật, tầm quan trọng ấy được thể hiện qua lịch sử cuộc đời của đức Phật. Cả cuộc đời của Người, suốt 45 năm thuyết pháp không ngừng nghỉ, hoằng hóa muôn phương để trao truyền thông điệp giải thoát giác ngô, triết lí nhân sinh đem lại an lạc cho nhân loại. Trước khi Thế Tôn vận chuyển bánh xe Pháp, truyền bá giáo lý.
Đức Phật nhắn nhủ các thầy: “Vì lợi ích cho số đông, vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Vì thế, quý thầy giáo hóa chúng sinh, quý vị nên đi mỗi người mỗi ngã không đi hai người một ngả”. Như thế vấn đề ứng dụng, thích nghi xã hội là rất cần thiết trong công cuộc hoằng pháp lợi sinh.
Phật giáo là tôn giáo hòa bình, bất bạo động, bình đẳng, vị tha và giải thoát. Từ tâm ý cho đến hành động đều vì mục đích đem lại an lạc, hạnh phúc cho con người và thế giới. Đức Phật là một nhà giáo dục, nhà hoằng pháp vĩ đại nhất trong lịch sử từ xưa đến nay. Bằng thân giáo, khẩu giáo của Ngài và sự bình đẳng không phân biệt đối với tất cả mọi người trong mọi giai tầng xã hội. Đức Phật dạy rằng Ngài đã tìm ra và đi trọn vẹn trên “Con đường cổ xưa, các đức Phật quá khứ đã từng đi qua”.
Ngài khẳng định “Quá khứ chư Phật đã dạy như thế, vị lai chư Phật sẽ dạy như thế, và hiện tại Ngài cũng đang dạy như thế”. Do đó, chúng ta những người con thân yêu của đức Thế Tôn, chúng ta là trụ cột của Phật Pháp, chúng ta không thể đứng nhìn Đạo pháp ngày một lu mờ. Hãy dõng mãnh dấn thân phụng sự, hãy tôn trọng lí tưởng để nêu cao ngọn đuốc trí tuệ và từ bi, để duy trì mạng mạch Phật pháp, đem lợi lạc cho hết thảy chúng sinh trong hiện tại và vị lai.
Ngày nay, nền khoa học kỹ thuật phát triển đạt tới đỉnh cao, đưa đời sống con người lên tầm cao mới. Tuy nhiên, cũng từ đây sinh ra muôn vàng hệ lụy không thể lường trước được như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, thiên tai dịch họa, nạn thất nghiệp đói kém, tệ nạn mê tín dị đoan. Đặc biệt là đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, như: con giết cha, vợ giết chồng, chồng giết vợ, cha mẹ sát hại con cái, anh em tàn sát lẫn nhau chỉ vì lòng tham không được thỏa mãn.
Con cháu bất hiếu với ông bà tổ tiên, cha mẹ; tham lam, trộm cắp, tà dâm, dối dá, lừa gạt, rượu chè, cờ bạc, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục … Trong khi đó, nền giáo dục xã hội hiện tại lại thiên về tính toán vật chất, nghiên về lợi ích cá nhân, chạy theo thành tích, kinh tế thị trường. Và, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, Giáo dục Phật giáo, trên nền tảng triết lý đạo đức, đáp ứng được như cầu hiện tại của xã hội.
“Những ai nghĩ rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những lý tưởng cao thượng, những tư tưởng và triết lý đạo đức cao siêu, và không biết đến hạnh phúc của con người về mặt kinh tế và xã hội là sai lầm. Đức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc của con người. Đối với Ngài, hạnh phúc không thể có được nếu không sống đời sống trong sạch dựa trên các nguyên tắc đạo đức (giới) và tâm lý”[1].
Giáo dục đạo đức trong Phật giáo, có nghĩa là xây dựng cho con người một lối sống để xứng đáng là con người, đồng thời xây dựng cho con người một đời sống xã hội tốt đẹp, mà ở đó con người làm chủ được mình, không còn những bất an do những yếu tố xã hội đem lại. Đạo đức trong Phật giáo không phải là một luân lý, một khuôn mẫu cố định, mà nó là một phương pháp sống. Mục đích giáo dục Phật giáo là giúp chúng sinh, loại bỏ những bất thiện, những dục vọng thấp hèn, để có một đời sống tốt đẹp.
Hoằng pháp lợi sinh là một công tác, một nhiệm vụ quan trọng đới với người đệ tử Phật. Do đó, muốn xây dựng đời sống đạo đức cho tha nhân, trước tiên là phải tự hoàn thiện đời sống của chính mình, bằng cách giữ gìn giới pháp mình đã thọ, thể hiện nếp sống thiểu dục tri túc, an bần thủ đạo, đầy đủ oai nghi tế hạnh, làm gương mẫu cho người.
Từ nơi đời sống tốt đẹp, tự thân nhà hoằng pháp có ảnh hưởng đến những người xung quanh, làm họ khát ngưỡng, mong muốn được gần gũi từ đó có cơ hội nghe những lời pháp nhũ mà phát khởi tâm bồ đề, tu tập thiện pháp để chuyển hóa những sai lầm, hướng đến cuộc sống thánh thiện. Để làm được điều đó, nhà hoằng pháp cần hướng dẫn người phật tử phương pháp phòng và tránh sự tha hóa đạo đức của một con người.
Đó là khuyên họ giữ gìn Năm giới được đức Phật dạy bao gồm: “không được sát sinh; không được trộm cắp; không được tà hạnh trong các dục; không được nói dối, không được nói lời đâm thọc, không được nói lời độc ác, không được nói lời phù phiếm làm mê hoặc người và không uống rượu”[2].
Năm giới chính là năm điều đạo đức thích hợp cho tất cả mọi người, mang lại sự cân bằng trong sinh thái, tạo nên một nếp sống trật tự an bình trong xã hội, làm cho mọi người, mọi loài tin tưởng và xích lại gần nhau hơn. Bốn giới trước, bắt đầu bằng giới không được sát sinh, đức Phật dạy người phật tử giữ gìn để phát triển lòng từ bi, và giữ gìn giới thứ năm để nuôi dưỡng hạt giống trí tuệ.
Giữ được giới thứ nhất, không sát sinh, người ấy nuôi dưỡng được tình người và lòng từ bi, xua tan được những sân hận, đem lại hạnh phúc cho mình và cho xã hội, đồng thời làm cho tâm hồn mình trở nên trong sáng.
Giữ được giới thứ hai, không trộm cắp, người ấy không bị rơi vào tù tội, không bị người khác khinh chê, không làm cho người khác đau khổ sầu muộn vì bị mất của cải, xã hội được an ổn hơn.
Giữ được giới thứ ba, không tà dâm, người ấy không lo sợ đổ vỡ tình cảm của gia đình tự thân, không lo sợ bị tình địch hãm hại, không sợ người khác khinh chê, trong lúc ấy các gia đình khác cũng được bình yên, không bị xáo trộn bởi những sự cố đổ vỡ tình cảm gây ra, xã hội thêm phần ổn định.
Giữ giới thứ tư, không vọng ngữ, người ấy được người khác tin cậy, không bị nghi ngờ lòng thành thực, không bị khinh chê, giữ được tính tình ngay thẳng, trung trực, khi ấy những người xung quanh cũng an ổn nhờ tránh được các hậu quả không lường trước được do việc nói dối gây ra.
Giữ giới thứ năm, không uống rượu và dùng chất kích thích, người giữ giới nuôi dưỡng được tính tình trầm lặng, ổn định, phát triển được tư duy và tránh được sự thác loạn do cơn say đem lại cho tự thân, gia đình và cho xã hội. Một xã hội sẽ thật sự an ổn nếu các thành viên trong xã hội ấy, làm gì cũng nghĩ về hạnh phúc của mình, gia đình và xã hội.
Chính nhờ năm điều đạo đức này mà con người có được lối sống lành mạnh, có những hành vi chuẩn mực, đem đến niềm vui hạnh phúc cho mình và người. Đây chính là năm yếu tố cơ bản để giáo dục một con người thân thiện, hòa bình trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Với các tập thể trong xã hội, nhà hoằng pháp cần dạy cho họ thấy rằng, nếp sống đạo đức không bắt nguồn từ một phía, mà trong tương quan các mối quan hệ, mỗi người cần có trách nhiệm và bổn phận với nhau. Nếp sống đạo đức của các mối quan hệ trong xã hội được đức Phật dạy trong kinh “Giáo Thọ Thi Ca La Việt”[3] như sau:
Quan hệ thầy-trò: Bổn phận của thầy đối với trò, phải huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện, dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì, dạy cho thuần thục các nghề nghiệp, khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc, bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt. Trách nhiệm của trò đối với thầy, là phải đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp.
Quan hệ cha mẹ-con cái: Bổn phận của cha mẹ là ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con. Trách nhiệm của con cái là nuôi dưỡng lại cha mẹ, có bổn phận với cha mẹ, giữ gìn gia đình và truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.
Quan hệ chồng-vợ: Trách nhiệm của người chồng là phải kính trọng vợ, không xem thường vợ, chung thủy với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ. Trách nhiệm của vợ đối với chồng là thi hành tốt đẹp bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con, chung thủy với chồng, khéo gìn giữ tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
Quan hệ cá nhân-bạn bè: Trách nhiệm của cá nhân đối với bạn bè là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Được đối xử như vậy, trách nhiệm của bạn bè là che chở nếu người ấy bị phóng túng, bảo trì tài sản nếu vị này phóng túng, trở thành chỗ nương tựa khi người ấy gặp nguy hiểm, không tránh xa khi người ấy gặp khó khăn, kính trọng gia đình của người ấy.
Quan hệ chủ-thợ: Trách nhiệm của người làm chủ đối với kẻ nô bộc là phải giao việc đúng theo sức lực của họ, lo cho họ ăn uống và tiền lương, điều trị cho họ khi bệnh hoạn, chia sẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ, thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Ngược lại, trách nhiệm của hàng nô bộc là phải dậy trước khi chủ dậy, đi ngủ sau chủ, tự bằng lòng với các vật đã cho, khéo làm các công việc, đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.
Quan hệ tu sĩ-cư sĩ: Trách nhiệm của các vị tu sĩ là phải có lòng thương tưởng đến người cư sĩ, ngăn họ làm điều ác, khuyến khích họ làm điều thiện, thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe, làm cho thanh tịnh những điều đã được nghe, chỉ bày con đường đi đến cõi trời.
Ngược lại trách nhiệm của các vị cư sĩ đối với các vị tu sĩ là phải có lòng từ trong hành động về thân, có lòng từ trong hành động về khẩu, có lòng từ trong hành động về ý, mở rộng cửa để đón các vị ấy, cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết.
Thật tốt đẹp, nếu xã hội có các mối quan hệ mà ai ai cũng thấy được bổn phận và có trách nhiệm với nhau, cùng tôn trọng nhau. Có làm được như thế thì mới có thể xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp lâu dài, và cũng nói lên được tính dân chủ, bình đẳng trong cuộc sống cũng như trong xã hội. Đây là nếp sống đạo đức tốt đẹp muôn đời, đồng thời đây cũng là một đường hướng giáo dục đạo đức lý tưởng, bất kỳ xã hội nào cũng nên giữ gìn và thực hành.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, vấn đề tha hóa đạo đức của con người đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Con người đa phần bị vật chất hóa, chạy theo đời sống vật chất mà vô tình làm mất đi giá trị đạo đức vốn có. Phật giáo nhìn thấy rằng, sở dĩ các tệ nạn xã hội chưa được giải quyết triệt để, như ngày nay, là vì thông thường những nhà chức trách chỉ quan tâm hậu quả của nó, mà chưa nắm rõ và chặt đứt được nguyên nhân phát sinh của nó.
Để giải quyết được các vấn đề suy thoái đạo đức của xã hội, trừ khi tất cả mọi người trong xã hội ý thức được những thái độ thấp hèn của tự thân, rồi từ đó mong muốn chuyển hóa, để trở nên có giá trị trong xã hội. Vì con người là tế bào của xã hội, chỉ có con người tốt đẹp thì xã hội mới phồn vinh, gia đình mới hạnh phúc. Những tư chất đạo đức trong đời sống được đức Phật dạy rất chi tiết. Với người xuất gia, Ngài dạy cần phải nỗ lực tiến tu, sống đời thanh tịnh, ít muốn biết đủ, với ba y, một bát.
Nhưng đối với người tại gia, Ngài dạy cần phải siêng năng trong nghề nghiệp nuôi sống. Tùy theo ngành nghề mà mỗi người tự xây dựng cho mình một tư chất thích hợp. Với người nông phu, Ngài dạy: “Ở đây, này các Tỳ Kheo, người nông phu gia chủ, trước hết khéo cày và khéo bừa. Khéo cày và khéo bừa xong, người ấy cho gieo hạt giống đúng thời. Cho gieo hạt giống đúng thời xong, người ấy cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Ba việc này, này các Tỳ Kheo, một nông phu gia chủ cần phải làm trước”[4].
Người nông phu phải biết thời gian nào cần cày bừa và gieo hạt, cho nước vào. Đó là kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Nếu không hiểu được vấn đề này dễ đưa đến thất thoát mất mùa. Đối với việc buôn bán, Ngài dạy:
“Người buôn bán phải có mắt, nghĩa là biết rõ các thương phẩm, mua như vậy, bán như vậy, sẽ đem lại tiền như vậy, tiền lời như vậy. Người buôn bán khéo phấn đấu, nghĩa là khéo léo mua và bán các thương phẩm. Và người buôn bán xây dựng được căn bản, nghĩa là người buôn bán được người khác biết đến như là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và đặt niềm tin vào mình”[5].
Người buôn bán phải biết thương phẩm của mình ra sao, mua có đúng giá không, bán ra lợi nhuận được bao nhiêu, có lãi suất không, có đem lại uy tín chất lượng cho người mua không. Đối với bậc làm vua, Ngài dạy: “Tốt lành thay cho một đức vua cai trị quốc độ bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm Thập vương pháp (Mười đức tính của vị vua) và hành động chân chính: Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức”[6].
Trong đời sống kinh tế, không gì hơn, nếu mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với ngành nghề của mình. Nếu như tất cả mọi người trong xã hội, ai ai cũng đều sống tốt, đều có nghề nghiệp chân chính, hợp đạo đức thì thế giới này không cần tôn giáo, không cần pháp luật, không cần Đức Phật ra đời, cũng không cần có sự nghiệp hoằng pháp.
Nhưng vì phần lớn con người trong xã hội bị vô minh chi phối, sinh ra nơi đời, mãi chạy theo tham vọng, lợi dưỡng mà quên đi những nhân cách đạo đức ban đầu. Có mặt trên cuộc đời, vì mưu sinh, vô tình hay cố tình, con người đã tạo ra một đời sống kinh tế phi đạo đức, vô nhân tính, để từ đó phải chịu những đau khổ do chính mình tạo ra. Do đó, mới có sự kiện đức Phật ra đời, mới có việc hoằng pháp.
Giáo dục đạo đức Phật giáo là hướng dẫn con người chọn cho mình những ngành nghề chính đáng, tức là những ngành nghề được xã hội công nhận, là những nghề hiền lương, không gây thất đức. Còn những hoạt động kiếm lợi nhuận như buôn bán chế tạo vũ khí, thuốc độc, nấu và kinh doanh các loại rượu, hành nghề bán dâm, hành nghề đồ tể, buôn bán nô lệ,… là những nghề nghiệp hại mình, hại người, cả trong hiện tại lẫn tương lai, không chính đáng thì nên từ bỏ.
Thứ đến, là một nhà hoằng pháp cần phải quan tâm, dạy cho người cư sĩ làm kinh tế như thế nào cho phù hợp nhân cách đạo đức và duy trì đời sống lâu dài. Dù là kẻ nông phu hay bậc làm vua thì cũng đều phải xây dựng cho mình đời sống chính mạng, để không làm tổn hại mình, không hại người khác, cho đến không hại cả thế giới. Hướng dẫn cho con người đời sống kinh tế có đạo đức, cũng chính là hướng dẫn con người có một đời sống thật sự hạnh phúc.
Muốn dạy người khác làm ăn kinh tế một cách có đạo đức, thì nhà hoằng pháp hơn ai hết phải hiểu rõ ngành nghề đó. Có kiến thức và kỹ năng hành nghề, nhà hoằng pháp có đủ cơ sở lý luận để thuyết phục người khác từ bỏ nghề nghiệp không chân chính, chuyển hóa các phẩm chất đạo đức bất thiện khi hành nghề, làm ăn luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác.
Với những người chưa có nghề nghiệp, nhà hoằng pháp tùy vào khả năng của họ dạy cho họ những ngành nghề thích hợp để ổn định đời sống kinh tế. Giúp họ có được nguồn sống chân chính, là nguồn sống được tạo ra bằng sự nỗ lực của chính mình, đảm bảo được sự sống của mình, đồng thời ý thức tôn trọng sự sống của người, không đánh mất nhân tính và không gây ra đau khổ cho mình và người, có được an lạc giải thoát trong chính nghề nghiệp nuôi sống.
Đây cũng chính là tinh thần từ bi, được soi sáng bởi trí tuệ của sự nghiệp hoằng pháp, sử dụng mọi phương tiện để giúp đời. Việc làm của người tu sĩ hoằng pháp là hướng dẫn con người xây dựng đời sống vật chất song song với đời sống tâm linh, tin sâu nhân quả, tin vào khả năng chuyển hóa khổ đau của mình. Đối với những đối tượng suy thoái đạo đức do không có nghề nghiệp nuôi sống “bần cùng phải sinh đạo tặc”, nhà hoằng pháp dạy cho họ những ngành nghề phù hợp với khả năng của họ để họ có thể làm lại cuộc đời.
Đối với những đối tượng suy thoái đạo đức do lòng tham vọng vô độ, không quan tâm đến môi trường và những người xung quanh, nhà hoằng pháp bằng cách này hay cách khác, chỉ cho họ thấy sự nguy hại, đau khổ của đời vô thường, sự bất an do những tư duy và mong cầu bất thiện, để từ đó họ có thể thay đổi, biết nghĩ đến lợi ích của mình và của người khác.
Đối với những đối tượng tha hóa đạo đức do sang chấn tâm lý, từng đổ vỡ do những sự cố trong cuộc sống, nhà hoằng pháp cần gần gũi, sẽ chia với họ, qua đó giúp họ khôi phục niềm tin vào cuộc sống, làm mới cuộc đời. Đáp ứng nhu cầu này, nhà hoằng pháp cần phải vận dụng tất cả những kiến thức và kỹ năng vốn có của mình vào trong đời sống xã hội. Tùy vào từng hoàn cảnh, đối tượng mà có những phương pháp thích hợp.
Để cho nền kinh tế đất nước được tồn tại và phát triển, dân chúng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội công bằng, văn minh, đức Phật đã dạy người dân trong quốc độ ấy nên thực hành bảy pháp đó là:
“Người dân trong nước ấy thường hay tụ họp đông đảo với nhau, sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm; Người dân trong nước ấy tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết; Người dân trong nước ấy không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống dân tộc như đã ban hành thuở xưa;
Người dân trong nước ấy tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này; Người dân trong nước ấy không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình; Người dân trong nước ấy tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng tế từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp; Người dân trong nước ấy bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng các vị A-la-hán tại nơi sinh sống, và nơi khác đến sống được an lạc”[7].
Có thể nói, đây là bảy phương pháp có khả năng chấn chỉnh nền kinh tế và duy trì các điều kiện phát triển một xã hội từ nghèo đói trở thành ổn định và phát triển. Bởi lẽ, nếu mỗi người trong xã hội đều phát tâm sống theo lời Phật dạy, hiểu đâu là vấn đề cần làm và đâu là vấn đề cần tránh trong đời sống, sẽ không bao giờ có mối mâu thuẫn bất hòa, không bao giờ xảy ra chiến tranh, dù đời sống có thay đổi.
Từ đó, con người cũng nhận thức được mối liên hệ mật thiết giữa mình với thiên nhiên, tự nguyện bảo vệ cho mình và cho mọi người xung quanh. Hơn nữa, chủ nghĩa hòa bình của đức Phật luôn thấm đậm tinh thần nhân văn và nhân đạo, là không làm hại bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào, cho đến bất cứ quốc gia nào. Đây chính là đường hướng giáo dục đạo đức, nhằm góp phần xây dựng an sinh xã hội của đức Phật.
Sự nghiệp hoằng pháp Phật giáo đã vạch ra những đường hướng đúng đắn, đúng thời điểm, đúng tinh thần giải thoát thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu của xã hội. Bằng những hành động cụ thể như: Xây dựng trường học cho trẻ em vùng sâu vùng xa, hỗ trợ quỹ khuyến học cho những học sinh nghèo vượt khó; xây dựng các viện dưỡng lão, nhà tình thương; trợ cấp cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cứu trợ người dân những vùng bị thiên tai; hỗ trợ y tế, tổ chức các buổi hiến máu nhân đạo,…
Gần đây nhất, chúng ta có thể thấy, Phật giáo chung tay với dân tộc trong việc kêu gọi ủng hộ quỹ vacxin để cùng nhau đẩy lùi đại dịch Covid. Đối với các công tác từ thiện nhân đạo, bằng uy tín của mình, các nhà hoằng pháp Phật giáo, phối hợp các tổ chức, các doanh nhân, doanh nghiệp, cùng chung tay với nhà nước để góp phần giảm thiểu nạn đói, nạn mù chữ, nạn dịch bệnh,… xây dựng xã hội ngày càng văn minh.
Để làm được điều đó, yêu cầu nhà hoằng pháp phải có đầy đủ hai yếu tố là từ bi và trí tuệ. Chỉ khi có từ bi, nhà hoằng pháp mới không chùn bước khi gặp những khó khăn; Chỉ khi có từ bi, nhà hoằng pháp mới có đủ tình thương để đối xử với mọi người trong xã hội một cách bình đẳng; chỉ khi có từ bi, nhà hoằng pháp mới có thể đi vào mọi ngõ ngách của xã hội, hầu cứu giúp cho những ai đang chìm đắm trong đau khổ, có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng của giải thoát.
Và chỉ khi có trí tuệ, nhà hoằng pháp mới có thể làm tất cả mà không bị vướng mắc vào chỗ nào, đúng với tinh thần giải thoát, vô ngã vị tha của Phật giáo.
Một điều chắc chắn rằng, tinh thần hoằng pháp Phật giáo hoàn toàn có thể giải quyết được các vấn đề đạo đức cấp thiết mà xã hội đang đặt ra. Bởi vì tính chất của nó là vì lợi ích của con người, xây dựng cho con người một cuộc sống lý tưởng, từ bỏ và chuyển hóa những tư cách thấp hèn, để có được những tư chất tốt đẹp, hướng đến thánh thiện, ngay trong hiện tại và mãi về sau.
Tác giả: Thích Nhật Mỹ
***
Tài liệu tham khảo:
Thích Minh Châu (2007), Những Gì Đức Phật Đã Dạy, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng Chi Bộ I, II, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ I, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tiểu Bộ IV, Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Phước Toàn (2017), Đạo Đức Phật Giáo – Con đường và sự biểu hiện, Hồng Đức
Thích Thánh Nghiêm (2023), An Lạc Từ Tâm, NXB.Phương Đông
***
Chú thích:
[1] Thích Minh Châu (2007), Những Gì Đức Phật Đã Dạy, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 239
[2] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng Chi Bộ II, Phẩm Gia Chủ, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 340.
[3] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ I, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 621.
[4] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Sa Môn, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 261.
[5] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng Chi Bộ I, Phẩm Người Đóng Xe, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 147-148
[6] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu Bộ IV, Phẩm Sáu Bài Kệ, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 540.
[7] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 277.