Xây dựng Luật Đầu tư công: Loại trừ các yếu tố phiền hà, gây ách tắc, nguy cơ gây suy thoái cán bộ
Về Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), các quy trình, thủ tục hành chính rườm rà cần được rà soát đơn giản hóa, loại trừ các yếu tố phiền hà, gây ách tắc, tạo ra môi trường đầu tư xấu, nguy cơ gây suy thoái cán bộ.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.
Nội dung đề xuất xây dựng Luật đã thể hiện tính đột phá, cách mạng
Trong đó, về Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ, tập trung cao độ nguồn lực để chủ động, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật trình Chính phủ đúng tiến độ.
Nội dung đề xuất xây dựng Luật đã thể hiện tính đột phá, cách mạng vì mục tiêu tăng trưởng, lợi ích của quốc gia trong lĩnh vực đầu tư công, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước giao về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công.
Chính phủ cơ bản đồng ý với 05 nhóm chính sách được đề xuất tại Đề nghị xây dựng Luật nhưng cần tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để tiếp thu, chỉnh lý các chính sách trên cơ sở đổi mới tư duy một cách thông thoáng nhằm tiếp cận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực sự giải phóng các nguồn lực, tránh lãng phí, kéo dài thời gian triển khai các dự án.
Chính phủ thống nhất với một số nội dung cụ thể dự kiến sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét như nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng và điều chỉnh quy mô các dự án liên quan; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án; danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến; bổ sung cơ chế, thủ tục rút gọn, linh hoạt trong việc sử dụng vốn và trình tự thủ tục triển khai đối với một số dự án đặc thù, cấp bách để thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc yêu cầu thiết yếu, quan trọng của bộ, ngành, địa phương… Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm nội dung, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công cần được nghiên cứu bảo đảm các nội dung đề xuất có tính khả thi cao, gắn với việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức của từng cấp, từng cơ quan; đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc kịp thời. Các quy trình, thủ tục hành chính rườm rà cần được rà soát đơn giản hóa, loại trừ các yếu tố phiền hà, gây ách tắc, tạo ra môi trường đầu tư xấu, nguy cơ gây suy thoái cán bộ.
Sửa đổi Luật cần bảo đảm không tạo môi trường, "cơ chế xin – cho"; không đầu tư dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm
Việc sửa đổi Luật cần bảo đảm không tạo môi trường, "cơ chế xin – cho"; không đầu tư dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm, huy động hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế khác. Cần phát huy vai trò các dự án đầu tư công, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để thúc đẩy sự kết nối, phát triển kinh tế, xã hội giữa các vùng, tỉnh, quốc gia cũng như các nước trong khu vực và thế giới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, các cơ quan liên quan của Quốc hội để đánh giá, thống nhất quan điểm, chính sách, thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2024 theo quy trình 01 kỳ họp.