Xây dựng Luật dữ liệu: Bắt nhịp xu thế, phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân

Chiều 25/10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo chiến lược dữ liệu quốc gia và góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu.

Chủ trì hội thảo có Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND; bà Lê Nguyễn Thiên Nga, chủ trì đề án Từ chính sách ra cuộc sống, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, nghiên cứu trưởng Hội thảo Chiến lược Dữ liệu Quốc gia; Đại tá TS Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy phát biểu

Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy phát biểu

Mục đích của Hội thảo hướng đến nghiên cứu phát triển Chiến lược Dữ liệu Quốc gia và góp ý xây dựng Luật Dữ liệu nhằm đảm bảo quá trình xây dựng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia và Luật Dữ liệu thể hiện tầm nhìn quốc gia, phù hợp hành động địa phương và bắt nhịp xu thế toàn cầu, phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đưa ra bài học kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam, nhất là đề xuất các giải pháp nhằm thống nhất và đồng bộ dữ liệu quốc gia, thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy, nhấn mạnh, hội thảo nhằm thảo luận, trao đổi, đóng góp về Chiến lược dữ liệu quốc gia; ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Dữ liệu; đối thoại về Vòng tròn chính sách chiến lược dữ liệu quốc gia. Đây là những nội dung rất quan trọng, không chỉ nhằm góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Dữ liệu đang được trình Quốc hội, mà hơn cả là vấn đề về Chiến lược dữ liệu quốc gia; và vấn đề Truyền thông chính sách.

Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy nêu rõ, sau hội thảo này, Ban chủ trì hội thảo sẽ tổng hợp và có báo cáo kiến nghị, đề xuất và tham vấn chính sách với các cơ quan chức năng. Đó cũng chính là tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của tập thể chúng ta với các cơ quan có thẩm quyền và với cộng đồng xã hội.

Các đại biểu tham gia tại hội thảo

Các đại biểu tham gia tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết, muốn chuyển đổi số được, trước tiên phải tạo lập được nguồn dữ liệu, nguồn dữ liệu này sẽ được sử dụng để mang lại những giá trị cho người dân. Trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác định điện tử, trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc, nằm trong tổng thể mô hình tam giác để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác là dữ liệu định danh về con người, định danh về cơ quan tổ chức và định danh về địa điểm. Ba bộ dữ liệu này sẽ tạo lập nên các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số.

Qua hơn 2 năm triển khai Đề án 06, đã mang lại những điều cơ bản nhất tạo lập nhóm dữ liệu, trong đó khẳng định 5 nhóm vấn đề: Đề án đã cung cấp các dịch vụ công thiết yếu (nền tảng cơ bản để tạo lập dữ liệu); phục vụ cho việc phát triển kinh tế; tạo lập được công dân số; tạo lập bộ dữ liệu dùng chung để các đơn vị liên quan khai thác; giá trị tham mưu, hoạch định chính sách cho địa phương, cho Chính phủ.

Song, trong quá trình triển khai Đề án 06, đã xác định một số điểm nghẽn (nghẽn về pháp lý, về dữ liệu nghiệp vụ, hạ tầng, bảo mật và nguồn lực). Giải quyết được điểm nghẽn trên mới phát triển được Đề án 06, cũng như giải quyết được trong chuyển đổi số. Do đó cần phải xác định quan điểm, dữ liệu được số hóa tới đâu phải đưa vào sử dụng tới đó để phục vụ nhân dân, không trông chờ khi có nhóm chung mới đưa vào sử dụng.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tham luận, làm rõ bối cảnh và các nguồn lực, động lực nhằm phát triển Chiến lược dữ liệu quốc gia cũng như cách thức nhằm khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho Chiến lược dữ liệu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược dữ liệu quốc gia; đưa ra các giải pháp nhằm huy động nhân dân, nguồn lực, liên kết dữ liệu các ngành các lĩnh vực, thúc đẩy ngoại giao kinh tế, nguồn lực chính trị, kinh tế, văn hóa… tham gia thiết kế dữ liệu chính sách để phát triển và khai thác thị trường dữ liệu Quốc gia; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nghiên cứu và truyền thông chính sách Chiến lược phát triển dữ liệu quốc gia; những vướng mắc trong chính sách dữ liệu của doanh nghiệp; góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Dữ liệu, đưa ra một số bài học kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam...

Mai Loan

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/xay-dung-luat-du-lieu-bat-nhip-xu-the-phuc-vu-tot-nhat-cho-loi-ich-cua-nguoi-dan_169067.html