Xây dựng Luật Dữ liệu nhằm phát triển chính phủ số và cải cách hành chính

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 22-10, Quốc hội đã nghe tờ trình dự án Luật Dữ liệu.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Dữ liệu. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Dữ liệu. Ảnh: media.quochoi.vn

Phân cấp thẩm quyền phân loại dữ liệu

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 67 điều.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc xây dựng dự án luật nhằm đáp ứng 4 mục đích sau:

Một là, tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời điều chỉnh toàn diện về hoạt động xử lý, quản trị, điều phối dữ liệu; xác định rõ công tác quản lý nhà nước về dữ liệu.

Thứ hai, việc xây dựng dự án luật nhằm phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính. Cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ ba, dự án luật được xây dựng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ dựa trên dữ liệu, các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn.

Thứ tư, phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia và khi đi vào hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Một số điểm đáng chú ý là việc phân cấp thẩm quyền phân loại dữ liệu như sau: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành danh mục dữ liệu quan trọng, dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dữ liệu cốt lõi (trừ dữ liệu do Bộ Quốc phòng quản lý).

Dự thảo cũng phân quyền quản lý nhà nước về dữ liệu như sau: Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về dữ liệu…

Cần thiết ban hành Luật Dữ liệu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới đọc báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới đọc báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. Ảnh: Media Quốc hội

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu.

Thông tin cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ bản nhất trí quy định về thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia quy định tại Điều 34 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn lực bảo đảm cho hoạt động thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý, Ủy ban cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật, nhằm tạo nguồn tài chính để đầu tư, phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ.

Về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, có ý kiến cho rằng, hiện nay đã có nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước, vì vậy, đề nghị làm rõ sau khi Luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở dữ liệu hiện nay phải được xử lý như thế nào để không chồng chéo với quy định của Luật này; đồng thời, đề nghị đánh giá tác động về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và nhân lực quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Về trung tâm dữ liệu quốc gia, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của trung tâm dữ liệu quốc gia; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia; đồng thời có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.

Về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu và sàn giao dịch dữ liệu, có ý kiến cho rằng, đây là những nội dung đang được điều chỉnh bởi một số luật liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Do đó, đề nghị cân nhắc, làm rõ mối quan hệ giữa các quy định của dự án Luật này với quy định của các luật hiện hành và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số để phân định phạm vi điều chỉnh bảo đảm phù hợp, tránh chồng chéo.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Dữ liệu vào cuối tuần này.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xay-dung-luat-du-lieu-nham-phat-trien-chinh-phu-so-va-cai-cach-hanh-chinh-682156.html